Một số nam giới thường thấy rất ngứa vùng da lông mu, vùng sinh dục, dùng các thuốc chống nấm bôi nhưng không thấy đỡ, coi chừng mắc bệnh rận mu.
Gây ngứa khó chịu
Rận mu |
Rận mu là một loại côn trùng có chân, không có cánh, màu giống với màu da của người bệnh. Do tính chất đổi màu của rận, nên rất khó nhìn thấy chúng. Rận mu còn được gọi là rận bẹn (vì thấy chúng hút máu ở vùng bẹn), hay là rận cua (vì chúng có hình hài giống con cua). Rận mu hút máu người nơi chúng cư trú như ở chân lông mu, dương vật, bìu, bẹn, bao quy đầu (ở những người đàn ông không cắt bao quy đầu). Nơi chúng hút máu thường xuất hiện nốt mẩn đỏ, chấm đỏ và gây ngứa rất khó chịu. Nhưng cũng có trường hợp xuất hiện thấy các nốt đỏ, mẩn đỏ nhưng không ngứa. Ngoài ra, có thể thấy hạch vùng bẹn sưng, đau. Rận mu ngoài cư trú và sinh sản (đẻ trứng) ở lông vùng sinh dục, chúng có thể trú ở cả ở lông mi, lông mày hoặc có thể thấy ở cả tóc.
Thường gặp ở nam
Rận mu thường gặp ở lứa tuổi từ 15 đến 40 tuổi. Có lẽ do lông ở nam giới cứng và khô, dễ thích nghi với rận mu hơn nên rận mu thường gặp ở đấng mày râu. Rận mu có thể lây từ người này sang người khác do tiếp xúc trực tiếp như trong quan hệ tình dục; mặc chung quần áo lót của người có rận mu; dùng chung chăn, màn, khăn tắm. Một điều đáng lưu ý là, mắc bệnh rận mu có thể cùng lúc với các bệnh lây qua đường tình dục khác như, viêm gan B, C, HIV/AIDS, giang mai, nhiễm nấm. Khi ngứa vùng kín cần đi khám ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa da liễu. Điều trị bệnh rận mu thực ra không khó khăn, nhưng dùng thuốc gì, dùng như thế nào không thể tự ý mua thuốc về dùng mà cần có chỉ định cụ thể của bác sĩ. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn cụ thể cho việc diệt rận mu và trứng của chúng như thế nào cho triệt để.
Để phòng bệnh rận mu thì không mặc chung quần áo, không dùng chung chăn, chiếu và khăn tắm, không quan hệ tình dục bừa bãi, không mặc quần lót chật nhất là vào mùa nắng nóng.
PGS.TS Bùi Khắc Hậu (TNO)
Bình luận (0)