Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bệnh sĩ!

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, nhiều học sinh đã và đang là “bệnh nhân” mà người gieo mầm bệnh chính là bậc sinh thành của mình. Trong thực tế đời sống, nhiều học sinh phải âm thầm chịu đựng sự “lập trình” cha mẹ đưa ra. Sống như vậy khác nào sống hộ người khác chứ không phải theo sự đam mê chính mình. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh khi chuẩn bị thi ĐH vì chiều theo ý người lớn nên đã chọn ngành yêu thích của cha mẹ, ngành mà cha mẹ có thể chuẩn bị sẵn cho “cửa vào” và “đầu ra”. Vì cha mẹ mà con cái không theo ngành đam mê của mình, đến khi ra trường và làm việc thì không thích và mau chán nản. Khi đã không thích thì dẫn đến làm việc không hiệu quả và những vấn đề khác.

Tôi xin đưa ví dụ của một diễn viên điện ảnh để minh chứng cho điều này. Thời còn học sinh, H. đã yêu điện ảnh và thích làm việc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cha mẹ lại hướng H. chọn ngành ngân hàng để trở thành một công chức. Trước áp lực của cha mẹ, H. đã răm rắp làm theo. “Nếu mình hướng đến nghề nghiệp này mà cứ cắm đầu học một ngành khác thì quả là… bi kịch”. Đó là một nhận xét rất đúng. H. đã từ chối làm công việc mà mình đã được đào tạo bài bản, từ miền Bắc tay trắng vào TP.HCM để đeo đuổi và phát triển công việc mình yêu thích rõ ràng là một sự mạo hiểm. Chính từ sự mạo hiểm ấy mà giờ đây H. đã trở thành diễn viên điện ảnh nổi tiếng.

Bệnh sĩ không chỉ gây tác hại cho người trong cuộc mà còn tác hại cho những người xung quanh. Bởi vì, người đã mang bệnh sĩ thì cách ăn nói, cư xử cũng “sĩ” theo, tạo giá trị ảo với những người xung quanh. Mà sống ảo thì thật đáng sợ.

Các căn bệnh khi người ta mắc phải thì chữa trị theo các phương thức khoa học. Còn với bệnh sĩ, chúng ta không cần tốn tiền để mua thuốc, không cần tốn thời gian để khám – chữa bệnh, không cần đến sự tác động của khoa học, ấy thế mà đối với một số người, căn bệnh này khó chữa vô cùng. Phương thuốc đơn giản nhất để trị căn bệnh này là thay đổi nhận thức, chỉ cần sống thật thì bệnh sĩ sẽ không còn, trả lại giá trị thật cho mỗi cá nhân, cho xã hội. Sống như vậy mới nhân văn, mới văn minh. Muốn thoát khỏi cái vòng vô nghĩa ấy, các bạn trẻ cần phải có bản lĩnh, như vậy các bạn đã tự cởi trói cho mình và không gieo bệnh sĩ cho con cháu trong tương lai. Chính bạn tự giải thoát để cuộc sống của mình không còn “sống hộ người khác”.

Hoàng Thái

Bình luận (0)