Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bệnh sốt xuất huyết bùng phát

Tạp Chí Giáo Dục

Số lượt bệnh nhi tới khám SXH tại BV Nhi đồng I tăng 67% so với tháng trước

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến thời điểm này cả nước đã có trên 25 ngàn người mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 25% so với cùng kỳ năm 2008. Dự báo, bệnh có thể bùng phát thành dịch lớn trong những tháng tới, đặc biệt là ở các tỉnh thành phía Nam như Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM, Cần Thơ, Tiền Giang, Trà Vinh…
Số ca SXH nhập viện tăng 67%
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng – Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng I cho biết: “Trong tháng 6, các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, trái rạ, quai bị đều giảm từ 27 đến 51% so với tháng 5. Riêng bệnh SXH, do đang là mùa mưa nên theo chu kỳ bệnh có chiều hướng gia tăng. Số lượt bệnh nhi SXH đến khám tăng 30%, số bệnh nhi nhập viện tăng 67%. Trong đó, số trường hợp SXH có sốc tăng gấp đôi, từ 33 ca trong tháng 5 tăng lên 67 ca trong tháng 6”.
Ngày 10-6 vừa qua, Khoa Cấp cứu – BV Nhi đồng I tiếp nhận bệnh nhi V.C.H. (6 tuổi, tỉnh Tiền Giang) trong tình trạng tri giác lơ mơ, ống thông dạ dày ra máu đỏ tươi và tiêu hóa ra nhiều máu đỏ bầm. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị SXH độ 4 ngày thứ 4 và xuất huyết tiêu hóa nặng. Đây là một trường hợp SXH có xuất huyết tiêu hóa rất nặng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được truyền máu và phẫu thuật cầm máu. Sau nhiều ngày điều trị, các bác sĩ đã “giải thoát” bệnh nhi khỏi bàn tay tử thần.
Bác sĩ Lê Bích Liên, Trưởng khoa SXH Bệnh viện Nhi đồng I cho biết: “Hiện có gần 100 bệnh nhi SXH đang điều trị tại khoa, trong đó có khoảng 35 bệnh nhi SXH mới nhập viện”.
Tương tự, tại BV Nhi đồng II số lượt bệnh nhi SXH đến khám và điều trị cũng tăng vọt. Đầu tháng 6, trung bình mỗi ngày có 10 ca nhập viện nhưng những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7 đã tăng lên 15-16 ca/ngày. Đặc biệt số ca bị sốc SXH độ 3, độ 4 cũng gia tăng.
Riêng tại thành phố, theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm – Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế thì mỗi tuần có gần 200 ca SXH nhập viện, tăng 50 ca so với đầu tháng 6. Dịch bệnh sẽ tăng liên tục từ nay đến tháng 10, cao điểm có thể lên tới 500 – 600 ca/tuần.
Trường học phải cảnh giác
Từ 15-6, các trường mầm non bắt đầu tổ chức dạy hè, còn các trường tiểu học thì học hè từ 1-7. Theo đó, công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh SXH ở các trường là rất cần thiết và cấp bách.
Vì vậy, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Tiến Đạt đã có công văn chỉ đạo các trường: “Khi tổ chức dạy hè, các trường cần đảm bảo sinh hoạt của trẻ tại trường được an toàn, đặc biệt là vấn đề phòng chống dịch bệnh. Bởi thời gian hè cũng là lúc thời tiết vừa nắng nóng vừa mưa nhiều, nguy cơ bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng dễ phát sinh thành dịch. Nhà trường cần nắm địa chỉ liên lạc của trẻ, số điện thoại của phụ huynh để có thể liên lạc nhanh khi cần, nhất là khi phát hiện trẻ bệnh. Khi có trẻ nghỉ học, nhà trường cần liên lạc ngay với gia đình để tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp phối hợp xử lý tích cực nếu trẻ mắc các bệnh lây đang có nguy cơ thành dịch”.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay tại nước ta đang tồn tại cả 4 type virus gây bệnh SXH nên tình trạng dịch bệnh ngày càng phức tạp. Bệnh nhân mắc bệnh cũng nặng hơn nếu nhiễm nhiều type virus…
Về phía ngành y tế, bác sĩ Nghiệm – Sở Y tế khuyến cáo: “Nhà trường phải tích cực dọn dẹp vệ sinh, đặc biệt là các vật dụng chứa nước mưa như ly nhựa, vỏ hộp cơm, hồ cá, bể bơi, chậu kiểng. Bởi nếu nhà trường không quyết liệt thì chỉ sau 10 ngày, lăng quăng sẽ phát triển thành muỗi gây SXH. Những trường tổ chức bán trú nên cho học sinh ngủ mùng dù là buổi trưa. Những trường ở các quận vùng ven như Q.6, 8, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân cần đặc biệt quan tâm hơn về vấn đề này, vì đây là khu vực rất thuận lợi cho lăng quăng và muỗi sinh sống…”.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, tiến sĩ, bác sĩ Hùng – BV Nhi đồng I nhấn mạnh: “Những trường hợp cần nhập viện để theo dõi và điều trị ngay là: Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sốc hoặc đe dọa sốc như ngủ li bì, cơ thể bứt rứt, tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ, đau bụng, nôn ói nhiều. Hoặc khi trẻ có biểu hiện xuất huyết như ói ra máu, tiêu phân đen. Ngoài ra những trẻ sốt cao liên tục từ ngày thứ 3 trở đi thì phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị”.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)