Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bệnh sốt xuất huyết bùng phát: Tất cả cùng vào cuộc mới mong kiểm soát được dịch

Tạp Chí Giáo Dục

 

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 8 tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận hơn 29.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở khu đô thị, công trường xây dựng, khu dân cư đông đúc của các tỉnh phía Nam như: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… và đã có 18 trường hợp tử vong ghi nhận tại 10 tỉnh. 

Trước diễn biến phức tạp của SXH, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói: Tại Việt Nam số ca mắc SXH trung bình hằng năm dao động từ 50.000 đến 100.000 trường hợp. Ở miền Nam số người mắc thường tăng cao vào mùa mưa, miền Bắc từ tháng 4 đến tháng 10 do thuận lợi về nhiệt độ.

Thông thường, chu kỳ dịch lớn thường xuất hiện từ 4-5 năm một lần, năm 2014 là năm có số mắc SXH thấp nhất trong 10 năm qua. Vì vậy, năm 2015 được dự báo là năm đỉnh dịch. Đặc biệt, virus truyền bệnh SXH có tới 4 tuýp và một người khi mắc bệnh với 1 tuýp thì chỉ có miễn dịch với tuýp đó mà thôi. Chính vì vậy người đó vẫn có khả năng mắc bệnh khi nhiễm các tuýp virus khác.  Đồng thời, những tháng cuối năm thời tiết thuận lợi ở cả hai miền Nam, Bắc, tạo điều kiện cho SXH phát triển.

PV: Thưa ông, những nguyên nhân nào khiến dịch SXH ngày càng lan rộng, chiếm tới 50/63 tỉnh thành trên cả nước?

PGS.TS Trần Đắc Phu: SXH hiện nay đang có chiều hướng thay đổi. Như trước đây, Tây Nguyên không hề có SXH nhưng bây giờ cũng trở thành ổ dịch lớn. Các vùng trước chỉ có sốt rét như Đại Từ (Thái Nguyên), các tỉnh miền núi thì nay cũng đã được thay bằng những ổ dịch SXH.

Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nổi cộm là do di dân, đô thị hóa mạnh, điều kiện cuộc sống ngày càng thay đổi, do biến đổi khí hậu, do ý thức người dân còn chủ quan, vỏ lon hộp, rác thải bừa bãi tạo nơi cho muỗi trú ngụ và đẻ bọ gậy. Về phía quản lý thì chính quyền địa phương còn chủ quan chưa vào cuộc quyết liệt. Người dân vẫn chưa phối hợp với cán bộ y tế để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Vậy, hiện Bộ Y tế đã làm gì để kiểm soát cũng như hạn chế dịch?

Bộ Y tế đã phối hợp với tất cả các bộ ngành. Tất cả cùng vào cuộc chung tay thì mới có thể kiểm soát được dịch đang ngày càng lan rộng. Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch năm 2015, trong đó tập trung vào các tỉnh có nhiều nguy cơ SXH. Tăng cường hoạt động truyền thông phòng chống dịch tại các địa phương, hướng dẫn các gia đình vùng nông thôn các biện pháp diệt muỗi, bọ gậy, lăng quăng. Tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị và mở rộng mạng lưới cộng tác viên. Gửi các công điện, văn bản đến các tỉnh, TP đề nghị tăng cường công tác phòng chống dịch.

Trước tình hình dịch SXH đang bùng phát, ông khuyên người dân làm gì để bảo vệ gia đình cũng như hạn chế dịch?

 

Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, TP, các bộ Y tế, GD-ĐT, Thông tin – Truyền thông, Tài chính về việc tăng cường công tác phòng chống SXH. Theo đó, yêu cầu các đơn vị phải phối hợp thực hiện, tăng cường các biện pháp để kiểm soát SXH.

SXH chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Người dân hãy vệ sinh nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ. Không chỉ phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh mà hãy lật úp những vật dụng không dùng đến, đậy nắp kín những dụng cụ chứa nước, thả cá vào các bể chứa nước, thay nước bình hoa, bình bông. Bỏ muối, dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, vỏ dừa, lốp vỏ xe cũ, mảnh lu… Đặc biệt là những khu nhà trọ, diện tích nhỏ, chật hẹp càng phải chú ý hơn. Muỗi vằn truyền bệnh SXH có đặc điểm là không chỉ đậu ở trên tường mà đậu ở bất cứ vật gì, đốt vào cả ban ngày. Thậm chí, muỗi ban ngày còn nguy hiểm hơn ban đêm. Vì vậy, khi ngủ cần phải mắc màn (mùng) cả ban ngày. Mặc áo dài tay phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

Bệnh SXH ban đầu có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt virus thông thường nên người dân còn tâm lý chủ quan. Thậm chí chỉ đến khi bệnh nặng, gây biến chứng mới đến các cơ sở y tế để điều trị. Vậy để tránh tình trạng này, ông có lời khuyên nào cho người dân?

Cả người lớn và trẻ nhỏ nếu đang khỏe mạnh bỗng sốt đột ngột kèm theo các triệu chứng đau đầu, đau mỏi toàn thân, trẻ nhỏ thì bỏ ăn, lừ đừ, tiêu chảy. Cơ thể có các chấm đỏ ở ngoài da (xuất huyết da), chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam thì nên đến ngay các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị tại nhà để tránh tình trạng bệnh phát triển nặng gây những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa… đe dọa tính mạng.

Xin cám ơn ông!

Yến Hoa (thực hiện)

Mùa dịch đến sớm hơn 2 tháng

Tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, mùa dịch SXH năm 2015 đến sớm hơn 9 tuần so với mùa dịch năm 2014. Từ đầu năm đến nay, TP có 8.157 ca SXH nhập viện, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt là từ giữa tháng 8 đến nay, số ca bệnh SXH nhập viện hằng tuần gia tăng nhanh chóng. Riêng tuần đầu tháng 9, toàn TP đã có 416 trường hợp SXH nhập viện. Ngoài ra, số ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện cũng bắt đầu gia tăng từ cuối tháng 8. Tính đến nay, toàn TP có 4.559 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nhập viện, trung bình khoảng 100-150 ca nhập viện/tuần. Trong đó, tuần đầu tháng 9 là 191 ca, tăng 32% với số ca mắc bệnh trung bình của 4 tuần trong tháng 8.

K.Anh

 

Bình luận (0)