Từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận trên 30.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ thì người dân đừng thấy số ca mắc giảm mà lơ là phòng dịch vì hiện tại mùa mưa mới bắt đầu…
Lực lượng chức năng phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho người dân
Không phòng chống kỹ sẽ bùng phát dịch
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng – Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM – cho rằng, mặc dù số ca mắc SXH ở khu vực phía Nam giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc vẫn rất cao. Nếu không phòng chống kỹ dễ dẫn tới khả năng bùng phát dịch, gây quá tải cho các cơ sở y tế. Khu vực phía Nam đã bắt đầu vào mùa mưa nên phải chống dịch ngay từ bây giờ để giảm tỷ lệ lưu hành virus SXH, giảm các ca mắc và ca chuyển nặng…
Tại Đồng Tháp, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận khoảng 1.450 ca mắc SXH, trong đó có 80 trường hợp nặng và 1 trường hợp tử vong.
Cũng tại miền Tây, báo cáo của CDC TP.Cần Thơ cho thấy, từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận khoảng 1.100 ca mắc SXH, giảm 247 ca so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên số ca nặng ghi nhận tăng so với cùng kỳ, số mắc SXH Dengue độ 3 là 39 ca (cùng kỳ năm 2022 là 14 ca).
Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh SXH tiếp tục diễn biến phức tạp do bước vào thời điểm mùa mưa, CDC TP.Cần Thơ khuyến cáo người dân và cộng đồng không nên lơ là, chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh SXH.
Thời gian qua, để chủ động phòng chống dịch bệnh SXH, CDC TP.Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch. Cụ thể như tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh SXH cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống giám sát dịch SXH tại cộng đồng, cơ sở y tế, trường học để kịp thời xác định các điểm nguy cơ và đề xuất các biện pháp xử trí phù hợp. Phối hợp với trung tâm y tế quận/ huyện chủ động triển khai các chiến dịch phòng, chống bệnh SXH trong cộng đồng; triển khai chiến dịch hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH 15-6 tại 9 quận/huyện trên địa bàn TP.
TP.HCM phát hiện nhiều điểm nguy cơ bùng phát dịch
Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 8.500 ca mắc SXH, giảm hơn 53% so cùng kỳ năm 2022, không ghi nhận trường hợp tử vong. Tuy so với cùng kỳ của năm 2022, tổng số ca mắc giảm nhiều nhưng từ đầu tháng 6 đến nay số ca mắc bắt đầu có xu hướng tăng.
Để ngăn chặn không cho dịch bệnh SXH bùng phát trong cao điểm mùa mưa, từ cuối tháng 5 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã thực hiện giám sát hoạt động phòng chống bệnh SXH tại hàng chục phường xã, thị trấn thuộc các quận huyện, TP.Thủ Đức. Kết quả giám sát ghi nhận 47 điểm có lăng quăng trong tổng số 85 điểm được giám sát, chiếm tỷ lệ 55,2%. Trong số 9 điểm nguy cơ là hộ gia đình thì có đến 7 điểm có lăng quăng, chiếm tỷ lệ 78%. Những số liệu này cho thấy, nguy cơ SXH xuất hiện rải rác trên toàn TP và ở ngay trong gia đình.
Nhân viên y tế TP.HCM vận động người dân quận 12 vệ sinh phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Cụ thể, HCDC phối hợp với Trung tâm Y tế quận 12 giám sát điểm nguy cơ gây dịch SXH tại phường Hiệp Thành – Đây là phường có số ca mắc SXH tích lũy cao nhất trên địa bàn quận 12 năm 2023. Đoàn đã giám sát 4 điểm nguy cơ, trong đó có 2 điểm có lăng quăng, chiếm tỷ lệ 50%. Điều đáng lưu ý là các ổ lăng quăng ở 2 điểm này đều là những đồ vật bị “bỏ quên” trong khuôn viên như mái tôn, thùng chứa nước không đậy kín, vỏ xe không sử dụng…
Tại TP.Thủ Đức, HCDC phối hợp với Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức thực hiện giám sát công tác phòng, chống dịch SXH tại phường Hiệp Bình Chánh – Đây là một trong những phường có số ca mắc SXH cao trên địa bàn TP.Thủ Đức. Đoàn đã giám sát 6 điểm nguy cơ, trong đó phát hiện 4 điểm có lăng quăng, chiếm tỷ lệ 67%. Các điểm nguy cơ tại phường Hiệp Bình Chánh rất đa dạng về loại hình, từ nhà trọ cho thuê đến các hộ kinh doanh cây kiểng, quán cà phê và trường học…
Hiện nay, TP.HCM đang bước vào mùa mưa, qua công tác giám sát phòng chống dịch bệnh SXH, HCDC ghi nhận các địa phương còn nhiều điểm nguy cơ có lăng quăng. Việc rà soát, phân loại và xử lý các điểm nguy cơ là rất quan trọng, cần sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân. Xử lý được nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh là giải pháp rất căn cơ để kiểm soát dịch bệnh SXH. Các trạm y tế phường, xã cần tăng cường rà soát, đánh giá, xếp loại các điểm nguy cơ theo hướng dẫn mới của HCDC; qua đó tham mưu kế hoạch giám sát điểm nguy cơ trình UBND phường, xã phân công nhân sự thực hiện. Đồng thời, trung tâm y tế và phòng y tế các quận, huyện cần tăng cường phổ biến việc phản ánh điểm nguy cơ lên app Y tế trực tuyến khi phát hiện điểm nguy cơ mà chưa được giải quyết. Trong vòng 24 giờ các phản ánh này sẽ được HCDC chuyển về phòng y tế các quận, huyện để trình UBND quận, huyện chỉ đạo xử lý. Đây là một kênh thông tin hữu hiệu giúp chính quyền phát hiện sớm các điểm nguy cơ gây dịch trên địa bàn và có biện pháp xử lý kịp thời, qua đó chủ động kiểm soát dịch bệnh.
“Có thể nói sự phát triển của muỗi truyền bệnh SXH gắn liền với mọi sinh hoạt của người dân. Vì vậy chỉ khi mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi thì dịch bệnh SXH mới được kiểm soát”, đại diện HCDC khuyến cáo.
Hòa Triều
Bình luận (0)