Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM: Càng chống càng tăng?

Tạp Chí Giáo Dục

Mưa xuống là ca bệnh “lên”
SXH chuyển hướng tấn công người lớn

Nắng nóng, rồi mưa, sự thay đổi thất thường của thời tiết đã khiến tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM ngày càng phức tạp. Song vấn đề nóng nhất hiện nay là nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH).

61% ca mắc SXH trên 15 tuổi

Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 1.993 ca SXH. Trong đó có 1 ca tử vong ở H. Bình Chánh. So với các năm 2007, 2008, 2009 thì năm nay tình hình SXH có phần giảm. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Phó phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM thì: “Đó là ý trời, bởi thời tiết từ đầu năm đến nay phần lớn nắng nóng gay gắt, không thuận lợi cho dịch bệnh SXH”…

Số ca mắc SXH bắt đầu tăng

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP, qua khảo sát 6 quận cho thấy SXH đã chuyển hướng tấn công người lớn thay vì là trẻ em như trước đây. Số ca mắc trên 15 tuổi (chủ yếu là học sinh, sinh viên và công nhân) chiếm 61%, trong khi trẻ em chỉ có 10%. “Khi trẻ em mắc SXH thì dịch bệnh chỉ khu trú trong gia đình, xa hơn là trường mầm non hoặc trường tiểu học. Nhưng khi đối tượng mắc bệnh là người lớn thì mầm bệnh sẽ mang tính di chuyển. Mầm bệnh không chỉ bó hẹp trong gia đình, trường học mà lan ra cộng đồng như nơi làm việc, khu vui chơi giải trí… Điều đó khiến cho công tác phòng chống và dập dịch càng trở nên khó khăn”, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Lê Trường Giang lên tiếng.

Và chính ông Giang cũng phải thừa nhận, nhiều nơi làm rất tích cực nhưng rốt cuộc số ca mắc vẫn cứ tăng theo chu kỳ “mưa xuống là dịch tăng”. Điển hình như Q.8, mấy năm nay luôn giữ vị trí đầu bảng về số ca mắc SXH. Dù rằng, “Ngay từ đầu năm, Q.8 đã quyết tâm hạ thấp số ca mắc SXH xuống 50%. Theo đó, chúng tôi đã dốc toàn lực xuống từng khu phố, nhà dân thuyết phục và tuyên truyền cách phòng chống dịch. Nhiều nơi đã chuyển biến mạnh mẽ, không ít hộ dân đã tự nguyện úp hoặc đập bể hết lu chứa nước vì không cần sử dụng nữa. Trong khi trước đây dù không cần chứa nước vào lu họ vẫn cứ để vậy mặc cho mưa xuống là đọng nước. Từ đó sinh ra lăng quăng và muỗi gây SXH”, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng Q.8 cho biết. Song, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP, trong tháng 4, Q.8 có 25 ca SXH thì tháng 5 tăng lên 46 ca – cao nhất so với các quận, huyện khác.

Không chỉ riêng Q.8, mà phần lớn các quận, huyện đều tăng sau vài cơn mưa nhỏ trong tháng 5 vừa qua. Cụ thể như Q.5, tháng 4 có 10 ca, tháng 5 tăng lên 16 ca; Q.Bình Thạnh – tháng 4 có 15 ca, tháng 5 lên 24 ca; Q.12 – tháng 4 có 6 ca, tháng 5 là 15 ca…

Càng chống càng tăng?

Bao nhiêu năm nay, năm nào TP.HCM cũng bỏ ra hàng tỷ đồng để phòng chống SXH. Năm nào, ngành y tế cũng triển khai vài ba đợt diệt lăng quăng và muỗi bằng cách phun xịt, thả cá bảy màu. Cách phòng chống này đã quá quen thuộc với tất cả các cán bộ y tế và với cả người dân. Và ai cũng thuộc bài “Mưa xuống thì nước sẽ đọng vào các vật chứa, từ đó phát sinh lăng quăng và muỗi gây ra SXH”. Song, trên thực tế tháng nào cũng có cả trăm người mắc SXH, những tháng cao điểm cao gấp 4-6 lần, trong số đó có không ít trường hợp tử vong. So với cả nước, thành phố thường được đứng đầu về số ca mắc cũng như tử vong.

Năm nay, dù mới chớm vào mùa mưa nhưng cũng đã có một trường hợp tử vong, liệu từ nay đến cuối năm sẽ còn bao nhiêu ca bệnh phải tử vong nữa?

Biện minh cho thực trạng “càng chống càng tăng” này, ông Lê Trường Giang cho rằng: “Dịch bệnh ngày càng nhiều trong khi nhân lực chỉ có giới hạn. Cụ thể như năm nay, ngành y tế ra quân phòng chống bệnh tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm chưa xong thì bệnh tả lại xuất hiện. Đang chống tả thì lại phải chống thêm SXH… “Tướng” phải “xua quân” đi hoài, “quân” mệt nên không muốn đi nữa. Bên cạnh đó, cách phòng chống cũng chưa sát với tình hình ngày càng phức tạp của dịch bệnh, thế nên số ca mắc không giảm. Đã đến lúc cần phải thay đổi cách phòng chống dịch”…

Vậy thay đổi như thế nào?

“Đánh phủ đầu ngay trong tháng 6 để đè dịch xuống, vào đỉnh dịch đánh tiếp một trận nữa để cắt đỉnh, đến cuối năm đánh để khóa đuôi cho năm sau. Phải làm quyết liệt, dồn sức phòng chống SXH ở công sở, trường học, nơi công cộng chứ không chỉ là ở nhà, địa bàn cư trú như trước đây”, ông Giang nhấn mạnh.

Theo đó, ngày 8-6, Sở Y tế TP đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện làm tổng vệ sinh diệt lăng quăng và muỗi. Từ 13-6, các quận, huyện sẽ vào chiến dịch để thu gom tất cả các vật có thể chứa, đựng nước mưa. Đặc biệt, trong 2 ngày thứ bảy của cuối tháng 6 tổng vệ sinh trên toàn thành phố, 2 ngày chủ nhật tiếp theo tiến hành phun xịt thuốc diệt muỗi, lăng quăng.

Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)