Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh, nhiều ca nặng

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang tăng mạnh và có nhiều ca nặng. Bác sĩ cảnh báo người dân nên tích cực phòng bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh, nhiều ca nặng - ảnh 1Bệnh nhi được điều trị SXH tại Bệnh viện Nhi đồng 1 – Ảnh: Nguyên Mi
Bệnh tăng mạnh
Chiều 7.9, thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết số ca nhập viện điều trị SXH tại bệnh viện cũng như cả nước đang tăng rất cao.
Hiện tại có 102 trường hợp SXH đang điều trị tại khoa. Trong đó, có đến 13 ca nặng (sốc SXH) phải chăm sóc đặc biệt và thở máy.
“Trong khi, bình thường (lúc tháng 5-6), mỗi ngày Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ có khoảng 30 bệnh nhi nằm điều trị. Bệnh SXH bắt đầu tăng từ tháng 7 thì đến nay số bệnh nhi SXH tại khoa hiện đã tăng gấp hơn 3 lần so với thời điểm tháng 5-6”, bác sĩ Tuấn đánh giá.
Bác sĩ Tuấn cho biết thêm, cùng kỳ năm trước, cả nước ghi nhận khoảng 10.000 ca SXH. Năm nay, hiện đã hơn 25.000 ca (tăng 250%) và có đến 16 trường hợp tử vong. Trong đó, có 6 bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (4 ca ở tỉnh chuyển lên, 2 ca sinh sống tại TP.HCM) tử vong do nhập viện trễ, sốc SXH, diễn biến bệnh nhanh và có kèm bệnh nền (suy gan…).
“Độ tuổi các ca tử vong trải đều từ 1 – 15 tuổi mà gần đây nhất là bệnh nhi mới 1 tuổi. Điều đó chứng tỏ ai cũng có thể bị SXH, không riêng gì trẻ ở tuổi đi học và người lớn”, bác sĩ Tuấn nói.
Các địa phương đang có số người nhiễm sốt xuất huyết tăng cao là TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội…
Giải thích nguyên nhân dẫn tới SXH gia tăng, bác sĩ Tuấn cho rằng bệnh đang diễn tiến theo chu kỳ. Cứ 3 – 5 năm, SXH lại tăng cao một lần, và năm nay trùng vào thời điểm đó.
Nhập viện trễ, bệnh diễn tiến nặng
Bác sĩ Tuấn cho biết, hiện trong các trường hợp đang điều trị tại bệnh viện thì nặng nhất là bé trai 11 tuổi (ngụ TP.HCM) đã ở giai đoạn sốc SXH. Bé nhập viện với triệu chứng sốt cao, đau bụng, ói mửa nhiều. Kết quả thử máu cho thấy máu cô đặc, tiểu cầu giảm. Sau khi nhập viện điều trị, bé tiếp tục sốt, trụy tim mạch, suy hô hấp và bức rức, la hét. Hiện bệnh nhi được điều trị, theo dõi đặc biệt.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, triệu chứng ban đầu của SXH dễ nhầm với các bệnh sốt siêu vi, viêm họng, tay chân miệng. Vì vậy phụ huynh cần chú ý theo dõi kỹ triệu chứng của trẻ.
Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh, nhiều ca nặng - ảnh 2Khoa Sốt xuất huyết – Bệnh viện Nhi đồng 1 đang trong tình trạng quá tải – Ảnh: Nguyên Mi
Bệnh SXH ngay từ khi khởi phát đã gây sốt rất cao (từ 39 độ). Bệnh nhân nếu được uống thuốc hạ sốt thì thân nhiệt sẽ giảm nhưng sau đó lại tăng cao trở lại. Bệnh nhân SXH thường rất mệt mỏi, lừ đừ, trẻ không thể xem tivi, khó khăn trong việc thực hiện những hoạt động đơn giản thường ngày.
Đến ngày thứ 3-4 là lúc bệnh diễn tiến nhanh và nặng, có thể bị sốc SXH. Bệnh nhân sẽ nôn ói, đau bụng, có thể biến chứng suy đa cơ quan và tử vong rất nhanh nếu không được can thiệp kịp thời.
Vì vậy, nếu trẻ có những triệu chứng trên hay phụ huynh nghi ngờ trẻ hay người trong gia đình bị SXH thì phải đưa đi khám để được chẩn đoán và điều trị.
“Các trường hợp SXH tử vong thường do nhập viện quá muộn. SXH là bệnh nguy hiểm nhưng sau khi được điều trị sớm sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, không để lại di chứng, kể cả những trường hợp biến chứng nặng, thậm chí thay máu”, bác sĩ Tuấn nói.
Mặt khác, bác sĩ Tuấn cảnh báo, người dân cần tích cực phòng bệnh bằng cách làm sạch môi trường sống, không để vật chứa nước đọng, giữ nhà cửa và xung quanh nhà sạch sẽ, thông thoáng để muỗi không có chỗ trú ẩn, ngủ mùng để tránh bị muỗi cắn.

Nguyên Mi (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)