Phụ huynh đưa trẻ đi khám các bệnh về đường hô hấp. Ảnh: H.Triều |
Suyễn là bệnh mãn tính thường gặp nhất ở trẻ em. Đặc biệt khi gia đình có người mắc bệnh suyễn hay các bệnh dị ứng khác thì nhiều khả năng là bệnh của trẻ sẽ kéo dài cho đến lứa tuổi lớn hơn, thậm chí suốt đời.
Những dấu hiệu của bệnh
Những trẻ có cơ địa suyễn rất dễ bị nhiễm trùng hô hấp với triệu chứng sốt, ho – ho có thể kéo dài và thường hay xảy ra. Ho cũng là dấu hiệu nặng của cơn suyễn ban đêm. Và khi bị nhiễm trùng hô hấp, các bé sẽ dễ bị lên cơn hơn với triệu chứng khò khè – tiếng rít thường nghe được khi thở ra; khó thở – thở thấy khó khăn, đặc biệt là thở ra. Ngoài ra, người bệnh còn có cảm giác nặng ngực – giống như lồng ngực bị bóp chặt.
Ở trẻ nhỏ mắc bệnh suyễn thường xuất hiện bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (TNDDTQ). Chúng ta sẽ khó khống chế tốt bệnh suyễn nếu không điều trị tốt TNDDTQ. Thông thường, TNDDTQ không khó điều trị nhưng cần điều trị đúng cách và có thời gian.
Bệnh nhân suyễn cần được chăm sóc và điều trị lâu dài. Cụ thể, phải tránh những yếu tố có thể làm khởi phát cơn suyễn. Đây có thể coi như điều trị “không bằng thuốc” và phải áp dụng suốt đời. Theo đó, bệnh nhân cần phải kiêng một số loại thực phẩm. Các loại thực phẩm như lòng trắng trứng, bò, gà, đồ biển có khả năng gây dị ứng rất cao. Vì vậy, người mắc bệnh suyễn cũng như các bệnh dị ứng khác nên tránh. Ngoài ra, bột ngọt, các thực phẩm chế biến sẵn (có chứa các chất bảo quản thực phẩm) cũng cần tránh dùng. Bên cạnh đó cũng cần tránh khói bụi (đặc biệt là khói thuốc lá), phấn hoa, dị ứng nguyên từ chó mèo, gián, nấm mốc. Phụ huynh không nên cho trẻ chơi các loại thú nhồi bông…
Riêng chạy nhảy, gắng sức cũng là một yếu tố dễ làm trẻ lên cơn nhưng không vì thế mà cấm không cho trẻ chạy nhảy. Tuy nhiên phải hạn chế và có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Phòng ngừa bằng thuốc
Thường được chỉ định nếu trẻ thường xuyên bị lên cơn hoặc đã từng lên cơn nặng. Việc điều trị bằng thuốc phải kéo dài nhiều tháng thậm chí nhiều năm. Trước khi ngưng thuốc, các bác sĩ cũng cần cho giảm liều từ từ rồi mới ngưng hẳn.
Trong điều trị cắt cơn suyễn, thuốc dùng bằng đường khí dung đã được chứng tỏ là hiệu quả và an toàn hơn hẳn các loại thuốc uống hay tiêm chích. Tuy nhiên, nếu trẻ thườngxuyên bị khò khè và phải dùng thuốc xông thường xuyên thì chứng tỏ bệnh suyễn của bé không được kiểm soáttốt, thậm chí dễ lên cơn nặng. Vì vậy, bé cần được thăm khám tại phòng khám chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị phòng ngừa đúng mức.
Các thuốc sử dụng trong điều trị suyễn với liều thông thường không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển thể chất của trẻ mà ngược lại nếu bệnh suyễn được khống chế tốt (nhờ thuốc và các biện pháp chăm sóc khác) trẻ còn có cơ hội phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.
Một số bài thuốc điều trị hen suyễn tại nhà từ thực phẩm
Củ gừng – bệnh nhân sử dụng 150 mg bột gừng 3 lần mỗi ngày trong 2 tháng. Sau 2 tháng sử dụng gừng đã có cải thiện đáng kể triệu chứng của hen suyễn là khò khè và nặng ngực; mật ong giúp làm loãng chất đàm nhớt trong phế quản và tạo điều kiện dễ dàng để tống xuất đàm nhớt ra ngoài. Pha mật ong trong nước uống hàng ngày (một muỗng cà phê mật ong mỗi ngày) hoặc một muỗng cà phê mật ong pha với nửa muỗng cà phê bột quế uống 1 lần mỗi ngày (sáng hoặc tối). Cách tốt hơn là dùng mật ong pha với nước cốt gừng tươi; dịch tỏi: dịch chiết xuất từ củ tỏi. Hòa 10 – 15 giọt dịch tỏi trong nước ấm và uống sẽ giúp làm giảm triệu chứng hen suyễn; húng quế – cho 30 – 40 lá húng quế vào 1 lít nước uống dần trong ngày…
BS. Trần Tuấn Anh
(Bệnh viện Nhi đồng 1)
Bình luận (0)