Bệnh nhân cần phải kiên trì điều trị bệnh tăng sắc tố da (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Đ.Long
|
Tăng sắc tố da không gây đau đớn cho người bệnh nhưng ảnh hưởng rất lớn đến yếu tố thẩm mỹ, tạo nên tâm lý tự ti về ngoại hình.
Triệu chứng dễ nhận thấy
Năm 14 tuổi, Lê Thị Minh Hằng (HS của một trường THCS ở Q.4, TP.HCM) thấy dưới cổ mình xuất hiện những chấm nhỏ li ti màu nâu. Lúc đầu, Hằng không mấy để ý. Nhưng chỉ vài tháng sau, những chấm nhỏ đó càng sậm màu và lan nhanh xuống phần ngực phải. Chỉ hai năm sau, toàn bộ những chấm lạ đó kết thành một đám da sần sùi có màu nâu đậm. Lo lắng cho sức khỏe và đặc biệt là làn da của cô con gái, chị Trần Thị Hương (mẹ Hằng) đã đưa em đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám bệnh. Tại đây, các bác sĩ kết luận Hằng bị rối loạn sắc tố da bẩm sinh và không cho uống hoặc bôi thuốc gì cả. Chị Hương tiếp tục đưa con qua Bệnh viện ĐH Y Dược khám. Khi khám bệnh cho Hằng, bác sĩ Lê Văn Quang – Trưởng khoa Da liễu Bệnh viện ĐH Y Dược – khẳng định em mắc chứng tăng sắc tố da, một trong 2 triệu chứng của bệnh rối loạn sắc tố da. Còn triệu chứng thứ hai là hiện tượng giảm sắc tố da (biểu hiện thường thấy là lang ben hoặc bạch biến).
Sau khi sinh đứa con trai đầu lòng, chị Nguyễn Thị L.- nhân viên của một trường tiểu học ở Q.Thủ Đức – thấy trên mặt mình xuất hiện những đốm nhỏ màu nâu mờ. Một thời gian sau, các vết đốm đó lớn dần lên và chuyển sang màu nâu sậm. Đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám, chị Lan được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán bị tăng sắc tố da (trong dân gian thường gọi là nám). Theo bác sĩ Quang, bệnh này trước hết là do nội tiết trong cơ thể có sự rối loạn đột biến. Đó là sự rối loạn chuyển hóa những ion trong cơ thể làm cho tuyến thượng thận bị tổn thương dẫn đến hiện tượng sạm da bắt đầu từ những vùng nhỏ rồi sau đó lan rộng thành từng mảng như trường hợp của em Hằng. Ngoài ra, các yếu tố di truyền như chủng tộc màu da hay nòi giống cũng ảnh hưởng đến triệu chứng tăng sắc tố da. Trong dân gian, hiện tượng này có địa phương gọi là bớt (đém). Nếu ở trên mặt thì được gọi là nám (như trường hợp của chị Lan) mà nguyên nhân chính cũng bắt nguồn từ sự rối loạn về sắc tố biểu bì. Theo tài liệu y khoa, những trường hợp bị nám ở vùng mặt, cổ hay cánh tay thường không phải do nguyên nhân bẩm sinh mà do tác động của ánh sáng mặt trời.
Không tự ý điều trị
Sau một thời gian tìm hiểu căn bệnh qua thông tin báo chí và các ý kiến tư vấn của bác sĩ, tháng 9-2011, chị Hương đã đưa con gái của mình đến Bệnh viện An Sinh (Q.Phú Nhuận) để điều trị. Tại Khoa Răng hàm mặt – Laser thẩm mỹ của bệnh viện, bác sĩ Ngô Thị Kim Anh chẩn đoán bệnh nhân Hằng bị bớt sắc tố và quyết định điều trị bằng tia laser. Sau một lần chiếu bằng tia laser (giá 4 triệu đồng) kết hợp với uống kháng sinh và bôi thuốc trực tiếp lên da, các vết sạm trên ngực Hằng có chuyển biến rõ nét (mờ hơn nhiều so với trước). Tuy nhiên, để chữa trị có hiệu quả hơn, bác sĩ Kim Anh quyết định cho bệnh nhân điều trị thêm bằng 2 lần chiếu tia laser (giá một lần 2 triệu đồng) và 2 đợt phun vitamin C. Cũng theo bác sĩ chuyên khoa, sau lần điều trị này, bệnh nhân phải tạm ngưng một thời gian dài mới được điều trị tiếp vì nếu không sẽ bị tổn hại nhiều đến lớp da bên ngoài. Không giống như Hằng, do nóng vội nên chị L. đã nghe theo lời khuyên của người bạn cùng cơ quan ra chợ mua một loại kem tẩy trắng về bôi lên mặt hàng ngày. Kết quả là chị bị dị ứng da và nổi mụn nhiều hơn. Sau đó, nhờ sự can thiệp kịp thời của Bệnh viện Da liễu, bệnh của chị mới được thuyên giảm. Đây cũng là lời căn dặn của các bác sĩ đối với bệnh nhân da liễu là phải kiên trì chữa bệnh, không được nóng vội vì không phải chữa trị xong là có kết quả ngay như một số căn bệnh khác. Nếu tự ý chữa trị, bôi những loại thuốc không rõ nguồn gốc sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc.
Ngọc Quang
Bình luận (0)