Chị Đỗ Thị Nữa (trái) cùng mẹ và hai con lúc chưa lâm bệnh |
Hơn một tháng nay, cứ đến giờ ăn cơm là các em học sinh lớp bán trú của Trường Tiểu học Bình Quới Tây, Q. Bình Thạnh – TP.HCM lại thắc mắc: “Sao lâu rồi không thấy cô Nữa đến trường?”. Chỉ đến khi cô Phụng trong tổ bảo mẫu trả lời: “Cô Nữa đang bệnh không đến trường được”, các em mới hết hỏi. Nhưng rồi sau đó, có em chợt nhớ lại hỏi tiếp: “Sao cô Nữa bệnh lâu vậy?”, những lúc như vậy cô Phụng cũng như các cô bảo mẫu chỉ biết trả lời qua loa rồi bỏ đi chỗ khác bởi họ không muốn trò của mình biết rằng cô Nữa đã mắc phải căn bệnh nan y.
Trò chuyện cùng thầy Trần Anh Kiệt – Hiệu trưởng nhà trường, tôi mới hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của cô Đỗ Thị Nữa. Vào công tác ở trường đã được 5 năm, tuy thời gian đầu mỗi tháng chỉ nhận được 540.000 đồng nhưng cô Nữa làm việc rất chăm chỉ và luôn thương yêu các em HS. Từ việc nấu ăn, giặt giũ đến quét dọn, cô đều làm hết mình. Đầu năm 2007, thường xuyên thấy ngực đau và khó thở, đi khám thì tim phổi không có vấn đề gì. Nhưng hai năm sau, trong một lần đi khám tại Bệnh viện Ung bướu, cô đau buồn đón nhận tin mình bị ung thư vú giai đoạn 2. Theo chỉ định của bác sĩ, trong vòng 1 tháng cô phải mổ nên cả nhà chạy đôn chạy đáo kiếm được gần 7 triệu đồng lo chi phí cho đợt phẫu thuật. Sau khi mổ xong cô phải uống thuốc liên tục. Từ đó đến nay, cô Nữa đã trải qua 4 lần hóa trị và cô cho biết mình còn phải “nếm” nhiều đợt hóa, xạ trị nữa.
Đến thăm nhà, tôi càng hiểu rõ hoàn cảnh khốn khó của cô Nữa. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng cô hiện có đến ba thế hệ cùng chung sống: cha mẹ cô, hai vợ chồng cô và hai con nhỏ. Qua lời kể của hàng xóm, tôi biết trong nhà cô Nữa hầu như ai cũng có bệnh. Chồng cô, anh Bùi Minh Đức không có việc làm ổn định nên chỉ trông chờ vào đám ruộng trồng rau muống sau nhà để lo tiền ăn học cho hai con. Cách đây 5 năm, anh phải đi mổ do có khối u bàng quang và đang có nguy cơ tái phát. Cậu con trai lớn của cô, Bùi Thanh Hoàng, khi còn nhỏ trong 1 lần băng qua đường do xe đụng đã bị bể hộp sọ phải nằm Bệnh viện Chợ Rẫy cả tháng trời. Thầy Trần Anh Kiệt cho biết thêm: “Biết hoàn cảnh gia đình cô Nữa quá khó khăn nên nhà trường đã hỗ trợ một phần và miễn giảm học phí cho các cháu”. Tôi thật sự xúc động khi cầm trên tay danh sách các đơn vị ủng hộ cô Đỗ Thị Nữa. Những người đóng góp chủ yếu là giáo viên thuộc các trường mầm non, tiểu học, THCS trong quận. Số tiền 18 triệu đồng có thể giúp cô Đỗ Thị Nữa vượt qua những khó khăn hiện tại của cuộc đời. Thế nhưng, vẫn còn đó chuỗi ngày cơ cực mà cô cùng gia đình phải gánh chịu. Cô Đỗ Thị Nữa đang rất cần những bàn tay nhân ái của cộng đồng để mau chóng phục hồi sức khỏe, quay lại với nghề.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)