Vào đầu hè, cũng là dịp bệnh tay chân miệng ở trẻ bùng phát và có nguy cơ lây lan cao. Đặc biệt, do bệnh không có miễn dịch nên trẻ có thể mắc đi mắc lại nhiều lần và lần sau chưa chắc đã nhẹ hơn lần trước.
Trẻ mắc tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1 |
Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin phòng ngừa trong khi bệnh có nhiều con đường lây lan từ đường hô hấp đến đường tiêu hóa nên việc phát hiện sớm, phòng ngừa cách ly là hết sức quan trọng.
Nhiều trẻ ở thể nhẹ
Ngồi chờ tái khám cho cậu con trai 2 tuổi tại BV Nhi đồng 1, chị Thu Hồng (Q.Thủ Đức) cho biết, mấy ngày trước chị bỗng thấy tay chân con nổi vài chấm đỏ. Nghĩ rằng con bị nóng nên chị không đưa con đi khám mà chỉ tự mua thuốc mỡ về bôi và cho con uống nước mát. Chỉ đến khi con sốt cao khó hạ, tay chân nổi bọng nước, chị mới “cuống cuồng” cho con đi Nhi đồng 1 để khám. Tại đây, các BS chẩn đoán con chị bị mắc tay chân miệng, cũng may chưa ở “thể quá nặng” nên bé nhà chị được các BS cho thuốc về nhà và hẹn tái khám sau 5 ngày.
Tại BV Nhi đồng 1, trung bình mỗi ngày điều trị khoảng 15 đến 20 trường hợp bị tay chân miệng nặng, có biến chứng. Đa số bệnh nhi mắc tay chân miệng giai đoạn nhẹ đều được chỉ định điều trị ngoại trú nên theo các BS, số trẻ mắc có thể cao hơn rất nhiều so với con số thống kê tại BV. Tuy nhiên, theo các BS thì con số này so với thời điểm vào mùa của năm trước thì vẫn chưa có nhiều “biến động”.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, chỉ tính riêng trong tuần cuối tháng 3 năm 2018, trên địa bàn thành phố đã có 52 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị. Số ca mắc tay chân miệng đã tăng 52% so với cùng kỳ của 4 tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2018 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng là 412 trường hợp.
Theo BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1), tháng 3 và 4 cũng là mùa thứ nhất của bệnh tay chân miệng hằng năm (đợt cao điểm thứ 2 là mùa tựu trường đầu năm học). “Tháng này mùa nóng cũng bắt đầu tay chân miệng. Năm nay đầu mùa, dù đã có nhiều trẻ mắc nhưng đa số ở thể bệnh nhẹ, ít trẻ nhập viện, chủ yếu là điều trị ngoại trú, tái khám. Tuy nhiên, từ tháng 6 trở đi, khi bệnh bước vào mùa thứ hai, cộng với sự tác động nắng nóng của thời tiết có thể sẽ khiến bệnh bùng phát và gia tăng”, BS Khanh cảnh báo.
Đừng nên chủ quan
Cũng theo BS Trương Hữu Khanh, tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, trẻ càng nhỏ càng dễ mắc phải. Đa số trẻ mắc bệnh sẽ tự khỏi trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, BS Khanh khuyến cáo các bậc phụ huynh, chỉ cần nhận thấy trẻ có các dấu hiệu như tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miệng, khóc, nói đau miệng. Sốt 1, 2 ngày, hết sốt kèm theo mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, lở ở trong miệng cần phải cho trẻ đi khám ngay. Bởi, nguy cơ xảy ra biến chứng luôn tiềm ẩn, nên phụ huynh cần cảnh giác, theo dõi kỹ các biểu hiện của trẻ. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu cảnh báo như nôn ói nhiều, ăn uống kém, lở miệng, giật mình, tay chân yếu đi không vững… thì nên đưa vào BV kịp thời. “Khi có dấu hiệu giật mình là nguy cơ cao sẽ xảy ra biến chứng cho trẻ như các biến chứng về thần kinh, khó thở, ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, tim mạch, trẻ phải thở máy. Thậm chí dẫn đến tử vong”, BS Khanh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin phòng ngừa trong khi bệnh có nhiều con đường lây lan từ đường hô hấp đến đường tiêu hóa nên việc phát hiện sớm, phòng ngừa cách ly là hết sức quan trọng. |
Bên cạnh đó, BS Khanh cũng cho biết, với bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần tránh những quan niệm sai lầm khi điều trị, chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng, như tự ý bôi thuốc không đúng, không vệ sinh tắm rửa cho trẻ thường xuyên vì sợ nhiễm nước, nhiễm gió… “Với trẻ mắc tay chân miệng thì cần vệ sinh, tắm rửa cho trẻ bình thường để tránh nhiễm trùng. Nếu các nốt loét trong miệng khiến trẻ đau thì có thể dùng thuốc để bôi miệng cho trẻ. Thường trẻ nổi mụn nước nhiều sẽ khiến phụ huynh lo nhưng thường nổi nhiều lại nhẹ hơn nổi ít”, BS Khanh lưu ý.
Theo BS Khanh, bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa, bệnh lại có nhiều thể nên trẻ đã mắc một lần không có nghĩa là sẽ không mắc tiếp và lần sau chưa chắc đã nhẹ hơn lần trước. Do đó, đề phòng ngừa bệnh tay chân miệng, cần phải vệ sinh tay chân miệng sạch sẽ cho bé và cả người lớn trong gia đình. Đồng thời, vệ sinh sạch sẽ thường xuyên nơi ở và đồ chơi của bé. “Bệnh lây qua cả đường hô hấp và tiêu hóa. Do đó, nếu trẻ có các dấu hiệu bị bệnh thì cần phải cách ly với trẻ khác để tránh lây lan”.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)