Bệnh nhi TCM đang được điều trị tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: H.Triều |
Hậu quả khôn lường vì… nhầm tưởngThấy con trai bị loét ở đầu lưỡi, hay khóc, cứ nghĩ bé bị nhiệt do trong người nóng nên chị Thu Huyền (quận 2, TP.HCM) tự ra tiệm thuốc Tây gần nhà mua thuốc cho con uống và tăng cường cho bé ăn đồ mát. Thế nhưng, sau bốn ngày, vết loét trong miệng không khỏi, ngược lại bé Tuấn (ba tuổi) bị sốt cao liên tục trên 39oC, ói nhiều và hay giật mình. Lúc này, chị Huyền vội đưa con đi khám thì hay bé bị bệnh tay – chân – miệng (TCM).
Nhầm tưởng
Tương tự, bé Trà My 11 tháng tuổi con chị Hà (quê Tây Ninh) cũng nhập viện trong trạng thái khò khè, khó thở, sốt cao, co giật. Khi được các bác sĩ chẩn đoán, gia đình chị Hà mới hay con gái mình bị bệnh TCM. Nghe tin, chị Hà giật mình khi không biết các nốt sần đỏ nổi ở vùng mông của con cách đây vài ngày là biểu hiện của bệnh TCM. Cứ nghĩ do trong những ngày con gái bị tiêu chảy, chị thường xuyên mặc tã, khiến cho vùng mông bị ẩm dẫn đến tình trạng bé bị ngứa, nổi mẩn, sốt nhẹ. Thế nên sau khi bé Trà My hết tiêu chảy, chị Hà đi mua thêm phấn rôm Johnson’s Baby về thoa để tránh ẩm, làm khô ráo cho con. Tuy nhiên, cách chữa trị này không giúp bệnh thuyên giảm, ngược lại chỉ sau năm ngày kể từ khi nổi mẩn, bé Trà My tỏ ra khó chịu, luôn khóc thét.
Không riêng trường hợp của bé Tuấn hay bé Trà My, nhiều bậc cha mẹ thường dễ bị nhầm tưởng sang các bệnh khác như nhiệt, ngứa, lở… khi thấy con nổi nốt, thậm chí có bậc cha mẹ còn nghĩ con bị sốt phát ban. Cũng từ sự nhầm tưởng mà các bậc cha mẹ khó lường hết nguy hiểm của bệnh. Trường hợp của Trà My, khi các bác sĩ cho biết nguyên nhân bệnh TCM ở bé do vi rút Enterovirus 71 (EV71) gây ra và bệnh tiêu chảy của bé là đường lây truyền cho bệnh. Nghe vậy, chị Hà mới hay có thể do bé Trà Mi chưa được vệ sinh sạch sẽ mới ra nông nỗi như vậy, nhưng chị cũng thở phào khi đã đưa con đến bệnh viện kịp thời.
Phát hiện sớm và điều trị đúng cách
Theo bác sĩ Huỳnh Trọng Dân (Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) thì bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do nhóm vi rút đường ruột gây ra. Đường lây truyền bệnh có thể từ đường tiêu hóa qua phân, hoặc từ đường hô hấp qua chất xuất tiết mũi họng, bọt khí bắn ra lúc ho hoặc hắt hơi. Đối tượng thường mắc bệnh TCM là ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới ba tuổi. Biểu hiện điển hình của bệnh là viêm, loét ở niêm mạc má, môi, lưỡi; xuất hiện những bóng nước có đường kính từ 2 đến 4mm trên nền hồng ban. Hồng ban có thể ẩn dưới da hoặc nổi gồ trên mặt da. Ngoài viêm loét miệng và hồng ban, bệnh nhân có thể có các triệu chứng khác như: sốt, đau họng, bỏ ăn, nôn ói, tiêu chảy. Mức độ lây lan của bệnh TCM là rất nhanh ở những nơi tập trung đông đúc như nhà trẻ, trường mẫu giáo.
Nếu trẻ có các biểu hiện trên đi kèm với một trong những dấu hiệu: ói, giật mình nhiều, rung giật chi, đi loạng choạng, hốt hoảng hay sốt cao liên tục trên 39oC thì các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám, đánh giá tình trạng bệnh và có chỉ định nhập viện kịp thời. Trong trường hợp trẻ chỉ sốt nhẹ, không có các triệu chứng kể trên thì chỉ cần điều trị triệu chứng như dùng thuốc hạ sốt paracetamol 15mg/kg/lần mỗi 6 giờ. Tuy nhiên, biện pháp phòng ngừa bệnh TCM hữu hiệu nhất là cha mẹ phải luôn giữ vệ sinh cho con cái mình, tránh để trẻ đưa tay bẩn vào miệng.
Ngọc Trinh
“Biến chứng của bệnh TCM thường gặp đối với hệ thần kinh như: viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não hay đối với tim mạch, hô hấp như: viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, trụy mạch. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: viêm não – màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Nếu bệnh dẫn đến các biến chứng trên có thể khiến bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ” – bác sĩ Dân cho biết. |
Bình luận (0)