Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bệnh tay chân miệng “rình rập” trường mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Đồ chơi ở các trường mầm non là nguồn dễ lây truyền bệnh TCMCác bác sĩ chuyên khoa cảnh báo, hiện nay đang là thời điểm thuận lợi để dịch bệnh tay chân miệng (TCM) bùng phát. Trung bình mỗi tuần TP.HCM có khoảng 80 ca TCM nhập viện. Phần lớn là các bé ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Trong khi đó tại TP. Cần Thơ Trường Mầm non Thị trấn Phong Điền cũng đóng cửa vì dịch bệnh này hoành hành…

Dịch bệnh đang tăng

Theo báo cáo của Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, dịch bệnh TCM đã xảy ra tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Ba tuần đầu tháng 9, trung bình mỗi tuần có khoảng 50 ca bệnh nhập viện. Nhưng từ 23-9 đến nay, mỗi tuần đã tăng lên 80 ca.

Chiều 28-10, theo ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng II có trên 10 bệnh nhi. Anh Tú, thân nhân bệnh nhi L.Q.H (16 tháng tuổi) cho biết: “Bé H. nhập viện hôm 24-10, đến ngày 25 thấy sốt cao nên các bác sĩ phải đưa vào phòng cấp cứu. Mãi đến chiều 27, thấy đỡ nên cho sang phòng dưỡng bệnh”. Khác với nhiều bệnh nhi khác, bệnh nhi H. chỉ nổi mụn trong miệng chứ không nổi ở tay, chân. Theo các bác sĩ, những bệnh nhi ít nổi mụn thường rất nguy hiểm. Được biết, bệnh nhi H. sống tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Mặc dù từ đầu mùa đến nay xã Phú Xuân chưa có bệnh nhân TCM nhưng huyện Nhà Bè thì đã có hàng chục ca.

Tại phòng 21 có 3 bệnh nhi, hầu hết các bệnh nhi đều dưới 3 tuổi. Chị Lệ, mẹ bệnh nhi Q.Tr cho biết: “Bé đang học tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn Q.9. Trước khi bé bệnh trong trường cũng đã có 2 bé phải nhập viện vì TCM”…

Ở BV Nhi đồng I cũng vậy, trung bình mỗi ngày khoa Nhiễm tiếp nhận và điều trị cho từ 10 – 15 bệnh nhi TCM. Trong đó có một số ca tương đối nặng.

Mới đây, tại Trường Mẫu giáo Bé Ngoan, P.15, Q.8 cũng có một cháu bị bệnh TCM. Bác sĩ Hiền – Phòng Y tế Q.8 cho biết, từ đầu năm đến nay P.15 có 15 cháu bị TCM, chủ yếu là các bé độ tuổi nhà trẻ. Hơn 9 tháng đầu năm nay, cả Q.8 có gần 150 ca.

Tại Q.6, Trường Mầm non Rạng Đông I, trong tháng 9 vừa qua cũng đã có 4 cháu bị TCM.

Mặc dù các quận, huyện đều tổ chức tập huấn công tác phòng chống TCM cho giáo viên (GV), bảo mẫu (BM) của tất cả các trường mầm non trên địa bàn thành phố, song không phải GV, BM nào cũng làm “đúng bài”.

Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, cán bộ y tế học đường – Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Tại Trường Mầm non Rạng Đông I, Q.6, khi các cán bộ y tế hỏi một số GV, BM về cách pha chế chloramin B để làm vệ sinh phòng học thì nhiều người trả lời sai. Không chỉ có vậy, nhiều GV, BM còn làm vệ sinh không đúng thời gian quy định. Tuy chloramin B không phải là thuốc độc hại, nhưng vẫn có một mức độ nguy hiểm đối với các cháu ở lứa tuổi mầm non. Theo đó, không thể lau sàn nhà bằng chloramin B trước khi đón trẻ khoảng 1 tiếng mà phải là sau khi trả trẻ, khoảng 5 – 6 giờ chiều/ngày”.

Về phía ngành y tế, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các quận, huyện tập trung vệ sinh bằng chloramin B tại tất cả những hộ gia đình có con dưới 5 tuổi, các trường mầm non…

Nghỉ học vì hội chứng TCM

Sáng 28-10-2008, sau khi phát hiện thêm 2 trường hợp trẻ bị hội chứng tay chân miệng, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ đã đề nghị Trường Mầm non Thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền cho học sinh toàn trường ra về. Chiều hôm trước, ngày 27-10-2008, sau khi phát hiện 2 trẻ bị bệnh TCM, TTYTDP huyện cũng đã tổ chức phun thuốc toàn trường. Cùng với 2 ca bệnh trước đó, toàn Trường Mầm non Thị trấn Phong Điền đã có 6 học sinh mắc hội chứng TCM.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc TTYTDP huyện Phong Điền cho biết: “Ngay khi phát hiện hội chứng, chúng tôi đã tổ chức phun thuốc, hướng dẫn các cháu mắc bệnh đi điều trị và hướng dẫn làm vệ sinh toàn trường. Đồng thời đề nghị trường cho nghỉ vài hôm để khống chế dịch bệnh”. 

Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phong Điền nói: “Để tránh lây bệnh cho những học sinh khác, Phòng Giáo dục huyện cho phép toàn Trường Mầm non Thị trấn Phong Điền nghỉ hai ngày để làm vệ sinh toàn trường. Khi dịch bệnh được khống chế, trường sẽ tổ chức cho học sinh học lại. Thế nhưng đến chiều 28-10-2008, trường vẫn tổ chức dạy. Giải thích nguyên nhân trường vẫn tổ chức cho các cháu học trong khi TTYTDP huyện đã đề nghị cho nghỉ toàn trường, ông Cường cho rằng vì nhiều học sinh ở xa chưa hay thông tin nên vẫn đến trường học!

Theo số liệu thống kê của TTYTDP TP. Cần Thơ, tính đến ngày 16-10-2008, toàn thành phố đã có 505 ca bệnh TCM. Tuy nhiên, chỉ có Trường Mầm non Thị trấn Phong Điền là phải cho nghỉ học toàn trường.

Hòa Triều – Thái Hải

Sở Y tế TP.HCM vừa có công văn gửi cho các đơn vị quận huyện, trường học về dịch bệnh TCM đang bùng phát mạnh trên địa bàn thành phố. Báo cáo từ TTYTDP thành  phố cho biết hiện nay tình hình dịch bệnh TCM đang tăng nhanh tại khắp các quận huyện. Nếu như số ca mắc bệnh TCM trung bình trong đầu tháng 9 là 50 ca/tuần thì nay tăng vọt lên 80 ca/tuần vào tháng 10, và có khả năng tăng cao vào thời gian tới vì đang bước vào thời kỳ đỉnh dịch hàng năm. Sở Y tế yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền đến  người dân, nhà trẻ, mẫu giáo thực hiện  phòng tránh, phát hiện sớm và giảm thiểu biến chứng tử vong do bệnh TCM gây ra. Tăng cường vận động các hộ dân có trẻ nhỏ hơn 5 tuổi; thực hiện tổng vệ sinh và sát khuẩn khu vực sinh hoạt của trẻ bằng chloramin B hàng tuần vào thứ bảy hoặc chủ nhật. Các nhà trẻ, mẫu giáo đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về thanh, khử trùng môi trường. Bệnh viện quận huyện thông báo ca bệnh đến TTYTDP quận huyện để triển khai phòng, chống lây nhiễm theo đúng quy trình.

H.A

Bình luận (0)