Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh tay chân miệng: Tử vong vì những nốt đỏ li ti

Tạp Chí Giáo Dục

Một bệnh nhi mắc bệnh TCM đang điều trị tại BV Nhi đồng II

Sáng 25-4, Bệnh viện (BV) Nhi đồng II đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Bệnh tay chân miệng (TCM) – những điều cần quan tâm”. Buổi nói chuyện đã thu hút hàng trăm ông bố, bà mẹ và các giáo viên mầm non tham dự…
Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp
Bệnh TCM xuất hiện ở Việt Nam, chủ yếu là các tỉnh phía Nam vào những năm cuối thập kỷ 90. Hồi đó bệnh chỉ xảy ra vào tháng 3, 4, 5 và tháng 9,10, 11 nhưng vài năm trở lại đây thì xảy ra quanh năm. Trong đó có hai đợt cao điểm là từ tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Và đỉnh dịch thường rơi vào tháng 4, 5 và tháng 10, 11. Hiện nay đang là đỉnh dịch của bệnh TCM. Ngày 25-4, tại khoa Nhiễm của BV Nhi đồng II có 43 trẻ TCM nằm điều trị, tăng gần gấp đôi so với những ngày đầu tháng…
Số người mắc bệnh TCM những năm gần đây cũng tăng lên gấp bội. Chỉ riêng BV Nhi đồng II, năm 2006 có 3.079 ca TCM ngoại trú và 550 ca nội trú. Đến năm 2007, số ca ngoại trú tăng gấp đôi – 6.343 ca, nội trú tăng gấp 4 lần – 2.043 ca. Năm 2008, số ca ngoại trú là 15.785 ca, nội trú 2.350 ca. Năm nào cũng có vài trường hợp tử vong. Đó là chưa kể số bệnh nhi khám và điều trị ở BV Nhi đồng I, khoa Nhiễm A (dành cho trẻ em) – BV Nhiệt đới…
“70% bệnh nhi khám và điều trị bệnh TCM tại BV Nhi đồng II là người thành phố, chỉ có 30% ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu…”, bác sĩ Trần Thị Thúy – Phó khoa Nhiễm BV Nhi đồng II cho biết.
Bệnh thường xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Nhiều trẻ mới sinh được 1 – 2 tuần tuổi cũng bị mắc bệnh. Bệnh nhi càng nhỏ thì mức độ nguy hiểm càng lớn. Điều đáng bận tâm là hiện nay bệnh TCM vẫn chưa có thuốc chủng ngừa. Đã vậy, bệnh lại dễ lây lan, đặc biệt là ở khu vực trường mầm non…
Dễ nhầm lẫn với các bệnh khác
Trước đây, để nhận biết bệnh TCM có thể nói là không quá khó. Khi mắc bệnh, trẻ thường sốt, kèm theo ói, tiêu chảy. Khoảng 3 – 6 ngày sau thì nổi bóng nước (5 – 10 mm) ở miệng, lưỡi, lòng bàn tay, bàn chân. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tuýp virus gây bệnh TCM đã đa dạng hơn nên triệu chứng của bệnh cũng phức tạp hơn.
Một số bệnh nhi mắc bệnh, thường chảy nước bọt nhiều. Theo đó, không ít phụ huynh vẫn nhầm tưởng là trẻ mọc răng. Số trường hợp khác, không nổi bóng nước mà hồng ban rất nhỏ ( 1- 2 mm) ở lòng bàn tay, bàn chân. Phụ huynh thường không để ý, nếu có phát hiện thì lại cho rằng trẻ bị ghẻ. Thậm chí ngay cả các bác sĩ ở tuyến dưới, bác sĩ chưa có kinh nghiệm điều trị bệnh TCM cũng khó phát hiện và xác định được bệnh. Cũng có nhiều trường hợp, bóng nước, hồng ban không nổi ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân mà nổi ở mông. Cha mẹ nghĩ rằng trời nắng nóng, trẻ ra mồ hôi nhiều nên gãi rồi sinh ra các nốt này. Do vậy, cha mẹ chủ quan không đưa đi BV mà mua thuốc về điều trị tại nhà…
Chính sự nhầm lẫn này đã gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nhẹ thì cũng là biến chứng thần kinh, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng. Nặng thì bị biến chứng hô hấp, tim mạch, rất dễ tử vong.
Vào những ngày đầu tháng 4, một bé gái ở Củ Chi mắc bệnh TCM. Do gia đình không biết đó là bệnh nguy hiểm nên đã không đưa tới BV. Khi thấy bé sốt cao, run giật chi, nôn ói nhiều, khó thở… gia đình mới vội vã đưa tới BV. Song, rất tiếc là không kịp, bé đã tử vong ngay sau đó…
Khi bệnh trở nặng, trẻ thường có các triệu chứng thần kinh như bứt rứt, lừ đừ, run chi, chới với, trợn mắt, run giật cơ, đi loạng choạng. Thậm chí, có trường hợp yếu chi, liệt mặt, co giật, li bì, hôn mê. Trong trường hợp này, phải cho trẻ nhập viện.
“Nếu trẻ rơi vào một trong ba trường hợp: bóng nước rất ít xen lẫn với hồng ban, hoặc chỉ biểu hiện hồng ban mà không nổi bóng nước, hoặc chỉ loét miệng thì cần phải đưa ngay tới BV. Nếu chậm trễ, nguy cơ tử vong sẽ rất lớn”, bác sĩ Thúy nhấn mạnh.
Bài & ảnh: Minh Anh

Bình luận (0)