Sáng 13-8, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức họp giao ban các quận huyện. Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Năm học mới sắp bắt đầu cũng là thời điểm đỉnh của dịch tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH). Vì vậy, các phòng y tế quận, huyện cần phối hợp với phòng giáo dục để phòng chống dịch…”.
Mỗi ngày có 62 ca SXH, TCM nhập viện
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP, 7 tháng đầu năm 2008 toàn thành phố có 2.166 ca TCM (trong đó, tháng 6 là 378 ca, tháng 7 là 373 ca), tăng 170% so với 7 tháng đầu năm 2007 – 800 ca. Từ ngày 1 đến ngày 10-8, số ca TCM nhập viện là 150 ca, trong khi đó cả tháng 8 năm 2007 là 349 ca.
Về bệnh SXH, 7 tháng đầu năm 2007 có 3.201 ca, trong đó tháng 6 là 584 ca và tháng 7 là 1.108 ca. Còn 7 tháng đầu năm 2008 đã tăng lên 5.643 ca, cao nhất nước. Riêng tháng 6 có 867 ca, tháng 7 là 1.576 ca. 10 ngày đầu tháng 8 đã có 469 ca, hầu như quận, huyện nào cũng có ca nhập viện. Như vậy là chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 8, toàn thành phố đã có 619 ca TCM và SXH phải nhập viện, trung bình mỗi ngày có khoảng 62 ca.
SXH tập trung nhiều nhất là Q.Thủ Đức với 47 ca, Q.8 với 40 ca, Bình Thạnh – 33 ca, Q.Bình Tân – 29 ca, Q.9 – 29 ca…
Giải thích về việc số ca SXH tăng, đại diện Phòng Y tế Q.Thủ Đức cho rằng: “Q.Thủ Đức có nhiều dân nhập cư, việc ăn ở sinh hoạt cũng không được vệ sinh. Mặt khác, trên địa bàn quận cũng có nhiều công trình xây dựng, san lấp không đồng đều tạo ra những vũng nước tồn đọng, cỏ cây mọc nhiều. Từ đó phát sinh lăng quăng, muỗi. P.Linh Trung và P.Linh Xuân là 2 điểm nóng về SXH…”.
Đại diện TTYTDP Q.8 thì cho biết, P.4 có nhiều nhà bỏ hoang, rác và cỏ mọc um tùm. Mặt khác, đây đang là mùa mưa nên gây ứ nước cục bộ, nhiều nhà dân ở các P.1. 7 và 15 bị ngập, sinh ra muỗi…
Còn ở Q.Bình Tân có 4 phường là Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A, Bình Trị Đông, An Lạc tập trung nhiều ca bệnh. Đặc biệt là khu phố 14 – Bình Trị Đông, khu phố 5 – An Lạc là khu dân cư tự phát, dân nghèo thường chứa nước mưa trong lu, tạo điều kiện cho lăng quăng và muỗi sinh sôi nảy nở…
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc TTYTDP TP, 7 tháng đầu năm 2008, toàn thành phố có 3 ca SXH tử vong, tăng 1 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ riêng tháng 8-2007 có tới 4 ca SXH tử vong. Do vậy, trong thời gian tới các quận, huyện cần “cảnh giác” để hạn chế tối đa số ca tử vong.
Cấp phát cloramin B tới tận trường học
Bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định: “Về sơ bộ, bệnh TCM đã bắt đầu “ngóc” dậy, số ca nhâp viện bắt đầu tăng. Theo chu kỳ, đỉnh dịch TCM sẽ rơi vào tháng 9, tháng 10 và có thể kéo sang tháng 11. Năm 2007, tháng 8 có 349 ca nhưng tháng 9 tăng lên 666 ca, tháng 10 là 883 ca. Tháng 9 là thời gian nhập học, do đó nguy cơ lây lan, nhất là ở trong các trường mầm non sẽ rất lớn. Song, qua giám sát tại các quận, huyện, tôi nhận thấy công tác phòng chống dịch còn yếu kém. Nhiều cán bộ y tế, thậm chí là cả giám đốc TTYTDP cũng không thuộc 3 thông điệp phòng bệnh, trong khi tài liệu truyền thông đã phát xuống tận phường, xã cách đây 2 – 3 tháng. Trong thời gian tới, nếu quận, huyện nào để dịch bùng phát, Sở Y tế sẽ kỷ luật giám đốc TTYTDP…”.
Toàn thành phố có trên 1,2 triệu học sinh, mỗi trường có vài trăm đến trên 1,5 ngàn học sinh nên nếu xảy ra dịch bệnh ở khu vực trường học thì sẽ rất nguy hiểm. Theo đó, Sở Y tế vừa ký quyết định cấp phát cloramin B để phòng chống dịch bệnh TCM, SXH và các bệnh truyền nhiễm khác tới từng trường học. Những năm học trước, ngành y tế chỉ cấp phát thuốc cho các trường đã xảy ra dịch hoặc trong khu vực có ổ dịch. Các trường còn lại, có nhu cầu thì tự liên hệ với TTYTDP quận, huyện để xin hoặc mua… Ngoài ra, năm học 2008-2009, Sở Y tế sẽ cung cấp tài liệu truyền thông phòng chống dịch bệnh cho các trường, nhất là khối trường mầm non.
Được biết trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ chỉ đạo Trường ĐH Y dược Phạm Ngọc Thạch tổ chức đào tạo cán bộ y tế học đường cho các trường học. Bởi, nếu không có cán bộ y tế học đường thì việc chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh ở khu vực trường học sẽ rất yếu.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)