Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bệnh “tham nhân vật” trong phim Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng để nhân vật phụ lấn át thời lượng của các nhân vật chính làm phim bị loãng là “bệnh” thường thấy ở phim Việt.

Bộ phim Cuộc đời vẫn đẹp sao đang phát đến tập 23 và theo dự kiến ban đầu chỉ còn 1 tập nữa sẽ kết thúc. Càng đi đến những tập cuối, bộ phim không còn gây hào hứng vì tuyến truyện dành cho 2 nhân vật chính Lưu và Luyến không còn được tập trung nhiều.

Phim Cuộc đời vẫn đẹp sao làm khán giả chuyển từ thích thú sang mất hứng vì nhân vật Bát chiếm sóng quá nhiều

Phim Cuộc đời vẫn đẹp sao làm khán giả chuyển từ thích thú sang mất hứng vì nhân vật Bát chiếm sóng quá nhiều

Từ tập 14, khi nhân vật mới là Bát – cậu em trai “trời đánh” của Luyến – xuất hiện, thời lượng dành cho nhân vật này lấn át hẳn tuyến nhân vật chính. Đáng nói, đây là nhân vật xấu tính nên càng chiếm sóng người xem càng thấy mất hứng với phim. Bát được khắc họa là kẻ vô công rỗi nghề, mỗi tập phim nhân vật này lại gây sóng gió cho những người xung quanh. Hết trộm cắp tại chợ đến ăn vạ đòi ở nhờ nhà chị gái; không được, Bát quay sang kiếm bà Tình – mẹ chồng của Luyến – ăn nhờ ở đậu và còn rình lấy tiền bà.

Chưa hết, sau khi mượn tiền Thạch – con trai Lưu – sống qua ngày thì Bát ăn cắp luôn chiếc đồng hồ Thạch mượn của chủ khiến Thạch phải hứng món nợ khổng lồ. Bát vờ tốt bụng chỉ cho Thạch chỗ vay nóng, sau đó gọi điện bên cho vay lãi để dặn cắt “hoa hồng” công giới thiệu khách. Suốt gần 10 tập phim, Bát liên tục đẩy những người xung quanh rơi vào cảnh khổ sở. Không chỉ Bát, những tập gần đây phim còn dành nhiều thời lượng cho tuyến chuyện tình của Thạch và bạn học – Nga – trong khi số phận của bộ đôi chính Lưu – Luyến chưa đâu vào đâu. Mới đây, nhà đài cập nhật lại tổng số lượng phát sóng của Cuộc đời vẫn đẹp sao có 30 tập, nhiều hơn dự kiến ban đầu 6 tập, khiến người xem càng thấy nóng ruột. 

Tình trạng để nhân vật phụ lất át thời lượng của các nhân vật chính làm phim bị loãng là “bệnh” thường thấy ở phim Việt. Đặc biệt người xem cũng ngán khi phim gần đi đến hồi kết nhưng biên kịch lại cho thêm nhân vật mới xuất hiện. Những nhân vật này hoặc là để kéo tình tiết phim dài thêm hoặc gánh “trọng trách” tháo gỡ những nút thắt trước đó.

Như trong Cuộc đời vẫn đẹp sao, để tăng hấp dẫn cho mối quan hệ Lưu – Luyến, từ tập 20 phim xuất hiện thêm nhân vật Nghĩa – một ông chủ giàu có đến mua hàng chỗ Luyến, tán tỉnh cô và Luyến cũng “đong đưa” lại khiến Lưu ghen.

Ở hướng ngược lại, nhiều nhân vật xuất hiện chớp nhoáng nhưng gánh vai trò quan trọng như trong phim Đừng nói khi yêu, đến tận tập cuối, cha của nam chính mới xuất hiện để gỡ bỏ mâu thuẫn giữa 2 gia đình, giúp chuyện tình của nam nữ chính từ trắc trở thành suôn sẻ trong chớp mắt. Bệnh “tham” còn được thấy ở việc nhiều nhân vật được thêm vào và hết vai rất nhanh, làm khán giả chưng hửng. Như trong phim Gia đình mình vui bất thình lình, khán giả bất ngờ khi nhân vật “tiểu tam” Mai mất tích luôn khỏi phim sau màn bị nhân vật Hà và Trâm Anh dằn mặt, tồn tại chỉ trong 6 tập. Trước đó, khán giả những tưởng đây sẽ là nhân vật xuyên suốt, có nhiều câu chuyện để tạo mâu thuẫn cho vợ chồng Công – Phương. 

Cho dù được thêm thắt với mục đích nào, đất diễn ít hay nhiều, việc “tham” nhân vật, không cân đối được thời lượng so với vai trò đóng góp của nhân vật với câu chuyện cũng đều khiến phim dễ mất điểm. Dẫu biết phim truyền hình dài tập cần nhiều tình tiết để giữ chân người xem, nhưng cần cân nhắc đừng “tham bát bỏ mâm”, làm cho phim từ chỗ được yêu thích chuyển sang bị khán giả phản ứng tiêu cực. 

Theo Hương Nhu/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)