Lạm phát kêu khó, khủng hoảng than khổ, đến khi được Chính phủ hỗ trợ lại không đề cập tới chuyện giảm giá bán, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Hội chứng này đang lan nhanh trong cộng đồng doanh nghiệp.
Kể từ khi Chính phủ ban hành các gói kích cầu, hỗ trợ lãi suất, đơn xin được miễn giảm thuế, ưu đãi chính sách của doanh nghiệp cứ ngày một dày thêm. Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngay cả ông lớn trong làng dầu khí, điện lực, sắt thép, ôtô cũng lũ lượt có đơn xin được trợ giúp hoặc đề xuất tăng giá bán một số mặt hàng.
Hồi đầu năm, Bộ Nông nghiệp đề xuất tăng thuế nhập khẩu sữa để hỗ trợ cho sản xuất trong nước, gián tiếp kích cầu người dân dùng sản phẩm nội. Nhu cầu tiêu dùng tăng thêm ắt các nhà sản xuất sẽ hạ giá bán. Thế nhưng khi các cơ quan chức năng đang còn bàn bạc thì ngoài thị trường, nhiều sản phẩm sữa đã rục rịch niêm yết giá mới. Lý do doanh nghiệp đưa ra là chi phí đầu vào tăng cao, khủng hoảng khiến họ ngày một khó, thuế nhập khẩu sắp tăng, điều chỉnh giá bán là không thể đừng. Thế là Bộ Tài chính lại phải tiếp tục duy trì chính sách thuế ưu đãi từ năm 2007. Hậu quả đến nay người tiêu dùng VN tiếp tục nếm trái đắng khi giá sữa trong nước đang được coi là đắt nhất thế giới.
Giá sữa ở VN đắt nhất thế giới. Ảnh: Hoàng Hà. |
Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long – Nguyễn Thái Dũng cho hay, thời gian qua siêu thị cũng nhận được đề nghị tăng giá của khá nhiều nhà cung cấp, trong đó tập trung chủ yếu vào mặt hàng rau, củ, quả và hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà. Mức tăng phổ biến đối với sản phẩm thịt đông lạnh này là 7-10%. Ngoài ra, một số hãng mỹ phẩm cũng đã có kế hoạch tăng giá.
Theo ông ngoài nguyên nhân khách quan như giá nguyên liệu đầu vào tăng lên, nhiều mặt hàng cũng đang bị tác động bởi yếu tố tâm lý – khi giá xăng dầu lục rục tăng nhiều mặt hàng khác cũng tính chuyện niêm yết giá bán mới.
Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cũng tiếp nhận đề nghị tăng giá bán của khoảng 10 nhà cung các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm khô như ruốc thịt, các kho đóng gói… Mức tăng đề xuất phổ biến 5-10%, cá biệt một số doanh nghiệp đề nghị tăng thêm 18-30%.
Kịch bản tương tự cũng xảy ra với các mặt hàng khác như sắt thép, ôtô… Dù Chính phủ đã quyết định giảm một nửa phí trước bạ từ 10-12% xuống còn 5-6%, và giảm 50% thuế VAT đến hết năm 2009 cùng với một loạt chính sách hỗ trợ khác, mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô (VAMA) vẫn có văn bản "than khổ". Hiệp hội này đề nghị Chính phủ hoãn việc thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với mặt hàng ôtô đến hết 2009 và thậm chí đến thời điểm nào đó thị trường ôtô phục hồi.
Tiếp đến, VAMA cũng đề xuất kéo dài thời gian hỗ trợ 50% thuế giá trị gia tăng đến 2010. Hiện mức thuế giá trị gia tăng ưu đãi 5% kéo dài đến 31/12/2009. VAMA cũng mong 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM giảm một nửa phí trước bạ đăng ký ôtô dưới 10 chỗ. Theo tính toán của VAMA trong tháng 4 lượng xe tiêu thụ đã giảm tới 80% so với các tháng trước đó khiến nhiều liên doanh rơi vào tình cảnh khó khăn.
Không đề cập đến những tác động nếu không có những hỗ trợ trên, nhưng văn bản kêu cứu này được coi là hành động đặc biệt nhanh nhạy của VAMA trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều kêu khó.
Mới đây Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) – đóng góp gần 30% cho GDP của cả nước cũng xin tăng giá khí từ bể Cửu Long bán cho điện từ 2 USD lên 2,98 USD cho một triệu BTU (đơn vị đo năng lượng nhiệt). Lý do được PVN đưa ra là chi phí đầu vào tăng khiến doanh nghiệp kinh doanh không còn nhiều lãi.
Đáp lại những lời đề nghị trên, Bộ Tài chính đang cân nhắc tới khả năng sẽ giãn thời gian thi hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô, còn giá khí thì được duyệt tăng từ ngày 1/6. Dù cơ quan thẩm định là Bộ Tài chính nói rằng việc tăng giá khí không ảnh hưởng đến giá điện song giới chuyên gia vẫn lo ngại về lâu dài đây sẽ là cái cớ để ông nhà đèn tính chuyện tăng giá bán.
Ai cũng biết khủng hoảng, khó khăn là câu chuyện chung của cả thế giới chứ không riêng một quốc gia nào. Bản thân Việt Nam cũng 2 lần tung ra gói kích cầu nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước. Thế nhưng, số vốn kích cầu lên đến vài chục nghìn tỷ mà Nhà nước bỏ ra cứ như “muối bỏ bể”, doanh nghiệp vẫn kêu khó, người tiêu dùng vẫn phải mua hàng với giá cắt cổ…
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong – Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế – Viện Nghiên cứu và phát triển Kinh tế Xã hội – Hà Nội cho rằng, khi đưa ra gói kích cầu, Chính phủ đã không đặt ra một yêu cầu cao hơn là "ép" doanh nghiệp giảm giá khi được hưởng chính sách hỗ trợ, lãi suất vay ưu đãi. Các chính sách này mới dừng lại ở chỗ giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định các hoạt động kinh doanh.
"Tôi cho rằng tới đây, Chính phủ cần bổ sung thêm điều kiện cho doanh nghiệp khi được hưởng ưu đãi là phải tiến tới mục tiêu giảm giá thành sản phẩm", ông Phong nói.
Đành rằng "con có khóc thì mẹ mới cho bú", song theo ông Phong doanh nghiệp cũng cần chia sẻ khó khăn với Nhà nước và người tiêu dùng chứ không nên "hát đi hát lại bài xẩm cũ". "Có vẻ như chứng than thở và văn hóa ngại giảm giá đã ăn quá sâu vào tiềm thức các doanh nghiệp. Chính vì thế mà trong hầu hết lĩnh vực, hàng hóa dịch vụ vẫn còn yếu tố độc quyền hoặc tính cạnh tranh hiếm khi thấy doanh nghiệp tự nguyện xin giảm giá", ông Phong nhấn mạnh.
Một chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nói với VnExpress.net rằng cũng phải nhìn nhận có rất nhiều doanh nghiệp hưởng ứng gói kích cầu tiêu dùng của Chính phủ bằng các chương trình khuyến mãi giảm giá. Đi tiên phong là các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng điện máy, công ty du lịch, các hãng hàng không với các chương trình siêu giảm giá tới gần 50%.
Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng những sản phẩm dịch vụ được treo pano, biển hiệu rằng “giá sốc tận óc” hay "siêu giảm giá"… chỉ được coi là chiêu câu khách vì những thứ được giảm không phải là mặt hàng thiết yếu mà dân cần như gạo, nước, điện, xăng… “Người ta không thể bỏ tiền ra thay mới tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa nhiệt độ, ôtô khi mà gạo trong bồ hết, rau ở chợ đội giá lên gấp đôi, xăng nay dọa tăng mai đòi điều chỉnh giá bán”, vị chuyên gia này nói.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội – Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, nếu các cơ quan chức năng không tích cực vào cuộc để hạn chế những tiêu cực trong cạnh tranh thì giá hàng hóa sẽ còn bị đẩy lên cao hơn nữa. "Khi đó không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân mà những nỗ lực của Chính phủ trong việc ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế cũng sẽ không phát huy được hiệu quả như mong muốn”, ông Phú cảnh báo.
Gói kích thích kinh tế lần một được Chính phủ công bố hôm 23/1 với chính sách hỗ trợ lãi suất hỗ trợ 4% đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng trong thời gian tối đa là 8 tháng, kết thúc vào ngày 31/12/2009. Vốn vay này nhằm giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, duy trì sản xuất kinh doanh, và tạo công ăn việc làm trong điều kiện nền kinh tế bị tác động bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Gói kích thích kinh tế lần hai được Chính phủ công bố hôm 6/4 nhằm cung cấp bù lãi suất 4% cho doanh nghiệp, song hướng vào các nguồn vốn trung và dài hạn trong khoảng thời gian tối đa 24 tháng. Việc hỗ trợ lãi suất này được thực hiện từ ngày 1/4/2009 đến hết ngày 31/12/2011. |
Hồng Anh (VNE)
Bình luận (0)