Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bệnh thành tích của… phụ huynh

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn con đạt thành tích cao trong học tập, cha mẹ cần động viên, khích lệ thay vì gây sức ép cho con.
Do muốn con cái đạt được những thành tích cao trong học tập nên nhiều phụ huynh đã đặt ra nhiều mục tiêu cho con phấn đấu. Vô tình phụ huynh đã gây ra áp lực, khiến con cái mệt mỏi với những yêu cầu mà cha mẹ đưa ra.
Phụ huynh chỉ quan tâm đến thành tích mà không chú ý đến con cái mình học được điều gì; khả năng con mình tới đâu và con mình thích gì… Chính những thiếu sót đó đã dẫn tới việc con cái và cha mẹ hay mâu thuẫn và không hiểu nhau. Không những thế, nhiều phụ huynh còn hay đem con mình ra so sánh với những bạn học giỏi, đạt nhiều thành tích hơn. Điều này vô tình gây tổn thương đến lòng tự trọng của con cái, khiến trẻ cảm thấy xấu hổ và chán nản chứ không khích lệ phấn đấu như cha mẹ vẫn nghĩ.
Em Ngọc P. (học sinh lớp 8 Trường Trung học Thực hành Sài Gòn, TP.HCM) chia sẻ: “Nhiều lúc em cảm thấy rất mệt mỏi và áp lực. Em không có thời gian nghỉ ngơi vào những ngày chủ nhật hay ngày lễ, Tết vì ba mẹ luôn bắt em phải học bài. Nhiều khi em muốn bỏ học. Em chỉ muốn nói với ba mẹ là “hãy tin tưởng con một chút, không cần điểm cao chỉ cần con cố gắng hết sức mình và đừng so sánh con với những bạn khác khi con thấp điểm hơn””. Người viết có đứa em họ đang học lớp 6 tại Trường THCS Lưu Văn Lang (tỉnh Đồng Tháp) cũng rơi vào trường hợp tương tự khi gia đình luôn ép em phải đứng nhất lớp mỗi tháng, nếu không được sẽ la mắng và không đi họp phụ huynh.
Vì quá mệt mỏi với bệnh thành tích của phụ huynh, nhiều học sinh có xu hướng “đi ngược lại” với những gì cha mẹ áp đặt. Một số trường hợp dù rất ngoan và học giỏi nhưng vẫn không làm hài lòng cha mẹ, khiến các em luôn trong tâm trạng lo sợ và cứ vùi đầu vào học đến quên ăn quên ngủ.
Về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận xét: “Việc cha mẹ mong mỏi con học tập tốt là điều chính đáng nhưng đừng biến điều đó thành áp lực cho các em. Các em sẽ không thể tải nổi nếu những mong mỏi về thành tích của cha mẹ trở nên quá nặng nề và lâu dần các em cảm thấy đó là một gánh nặng. Bản thân các em mệt mỏi, căng thẳng, sợ hãi, lo âu… Không những không thể làm chủ học tập mà mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái càng lúc càng trở nên căng thẳng, khó thân thiện. Đến lúc nào đó các em sẽ khó làm chủ cả cuộc đời mình”. PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết thêm, thay vì dựng lên cho con bảng thành tích và buộc phải hoàn thành, cha mẹ có thể tạo động lực bằng cách để con tự khám phá bản thân, nghe con nói về những điều con thích và động viên, tạo điều kiện để con phát huy hết thế mạnh của mình.
Do đó PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khuyên: “Cha mẹ nên sát cánh cùng con, động viên thay vì gây sức ép cho các em. Hãy giúp con nhận ra cố gắng học tập tích cực là điều nên làm nhưng đừng quá sức. Có động viên con cũng cần cẩn trọng trong lời nói và lắm lúc chỉ cần sự quan tâm, thương yêu con là đủ trên bình diện hành vi. Cần tránh so sánh con với bạn khác, với chính mình hay nói quá nhiều về sự mong đợi của mình sẽ làm con căng thẳng. Nếu nhắc nhở con học tập cần tinh tế thay vì gây sức ép hay tạo những gánh nặng quá sức cho con”.
Trần Thị Thảo
Ảnh: T.L
Ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ
Bệnh thành tích đã tạo nên sự ảo tưởng cho rất nhiều phụ huynh, để họ tự hào mỗi khi nói về con cái mình với người khác. Đây không chỉ là mối lo cho việc ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ mà còn đáng suy ngẫm về một nền giáo dục ảo thành tích không có chất lượng. Vì vậy, để không xảy ra những điều đáng tiếc, không chỉ nhà trường mà phụ huynh cũng cần phải tránh xa căn bệnh này, loại bỏ khỏi ngành giáo dục vì một tương lai tốt đẹp nhất cho con em mình.
 
 

Bình luận (0)