Nhiều năm qua, mỗi dịp tổng kết năm học, “bệnh” thành tích và hình thức càng nở rộ đã đánh mất niềm tin của người dân. Hai thứ “bệnh” này luôn song hành rõ nhất trong buổi lễ tổng kết khiến nhiều người ngán ngẩm.
Có những trường tổ chức buổi lễ dài lê thê để phô trương sự hoành tráng, để cho người lớn tự khen với nhau rằng “buổi lễ thành công tốt đẹp” nhưng không đặt mình vào đối tượng luôn được gọi là “trung tâm”. Các em học sinh ngồi nhiều giờ đồng hồ giữa sân trường bị “tra tấn” bởi những lời phát biểu hoa mỹ, cao siêu. Có những điều người lớn phát biểu, học sinh… khó hiểu (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Khó có thể trách học sinh dự lễ mà không tập trung (nói chuyện và làm việc riêng). Phần lễ kéo dài lê thê khiến các em cảm thấy mệt mỏi, ngán ngẩm.
Nhiều năm trước đây, ở một số địa phương, học sinh bậc tiểu học thi học kỳ I, II, hầu hết đạt điểm 10, số ít đạt điểm 9, và rất ít học sinh đạt điểm 7, 8 khiến dư luận ngao ngán. Có những lớp, 100% học sinh đạt loại giỏi, chuyện bất thường đã trở thành… bình thường. Có những trường, số học sinh giỏi đạt trên 80% khiến nhiều người cảm thán: thời nay học sinh học giỏi quá, giấy khen đâu mà lắm thế…, nên giá trị của học sinh giỏi không được đề cao, không được coi trọng; giá trị của tờ giấy khen cũng bị rẻ rúng (khi đa phần học sinh đều có giấy khen). Vài năm qua, giấy khen ở bậc tiểu học đã giảm đáng kể, đó cũng là điều đáng ghi nhận, và tấm giấy khen có giá trị hơn. Tuy nhiên, “bệnh” thành tích vẫn không thoát khỏi khi thi định kỳ, học kỳ vẫn điểm 9, 10 (số lượng điểm 10 chiếm rất lớn). Bởi thế nhiều phụ huynh đến gặp thầy cô chủ nhiệm để… kiện, vì con họ đạt điểm 10 tất cả các môn nhưng không có giấy khen. Khi nghe thầy cô chủ nhiệm giải thích “em nào cũng đạt điểm 10” nhưng theo thông tư A thì chỉ có những em xuất sắc mới có giấy khen (xét về nhiều mặt trong năm học), họ mới thôi kiện…
Nếu dự lễ tổng kết ở một số trường, đâu đó chúng ta sẽ được nghe những lời phát biểu sáo rỗng của người lớn (ban giám hiệu, đại biểu, ban đại diện cha mẹ học sinh), nhất là những trường hám “bệnh” thành tích. Nếu không trực tiếp tham dự, đâu đó chúng ta cũng được nghe người lớn (thầy cô, phụ huynh) hay học sinh kể (những lời sáo rỗng đó, học sinh đều biết, chỉ có điều các em không dám nói ra). Vừa rồi, dư luận dậy sóng về việc vinh danh học sinh tiêu biểu của Q.Cầu Giấy (Hà Nội) với phần thưởng… rỗng ruột khiến phụ huynh và học sinh mất niềm tin.
Có thể nói, “bệnh” thành tích và hình thức đang nở rộ và lan tỏa. Hai “căn bệnh” trên đang đánh mất niềm tin ở người dân.
Thái Hoàng
Bình luận (0)