Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh thương hàn có thể gây tử vong

Tạp Chí Giáo Dục

Vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn được tìm thấy trong máu của bệnh nhi (ảnh Bệnh viện Nhi đồng 1 cung cấp)
BS. Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho biết: “Bệnh thương hàn là bệnh lây truyền mang tính cộng đồng, nhiều năm trước đã có thời gian bệnh thành dịch với số lượng người mắc cao. Mới đây, bệnh viện cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi mắc bệnh và đã tử vong sau vài giờ cấp cứu”.
Gây tử vong
Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tiếp nhận một bệnh nhi 2 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh TP.HCM bị mắc bệnh thương hàn. Bé nhập viện trong tình trạng mê man, sốt cao, tiêu chảy, nhiễm trùng huyết mặc dù bé đã được cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó. BS. Khanh cho biết: “Bé bị tử vong do sốc nhiễm trùng, kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với vi trùng thương hàn Salmonella”. Từ nhiều năm nay, đây là lần đầu tiên bệnh viện tái xuất hiện một trường hợp trẻ mắc bệnh thương hàn và tử vong. Do đó bệnh vẫn tồn tại và có thể bất cứ ai cũng có thể mắc phải, nguy hiểm hơn nếu bệnh phát triển thành dịch. Đây không là bệnh thuộc nhóm lây lan nhanh rộng, tỷ lệ tử vong cao như tả hay cúm H5N1 nhưng cũng được xem là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có khả năng lây truyền trong cộng đồng. BS. Khanh cho biết: “Bệnh thương hàn có thể lây truyền qua đường ăn uống, khi người nhiễm bệnh thương hàn thải các chất như nước tiểu, phân, đờm… ra ngoài môi trường thì có thể sẽ lây bệnh cho những người xung quanh. Bởi những chất thải đó có thể tiếp xúc qua thức ăn, nước uống, đặc biệt là thức ăn nấu chưa chín hoặc sử dụng nguồn nước có vi trùng thương hàn do người mắc bệnh thải ra ngoài môi trường. Trực khuẩn thương hàn có sức đề kháng tốt nên có thể sống một khoảng thời gian khá lâu trong đất, nước, phân…”. Bệnh thương hàn phát triển qua 3 giai đoạn là ủ bệnh không biểu hiện triệu chứng, khởi phát bệnh bắt đầu có biểu hiện sốt kéo dài nhiều ngày và đến thời kỳ toàn phát. Toàn phát là thời kỳ bệnh biểu hiện rõ rệt nhất với các triệu chứng như sốt cao không giảm, tiêu chảy nhiều, nôn ói… Khi bệnh đã tiến triển nặng thì người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như rối loạn tri giác, xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, rối loạn tim mạch, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc… Từ khi người bệnh mắc bệnh đến khi bệnh ở giai đoạn nặng là có thể kéo dài tới 1 tháng. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể chữa trị và hạn chế khả năng tử vong nếu được phát hiện sớm. Chính vì vậy cần phải có biện pháp chủ động phòng tránh để hạn chế khả năng mắc bệnh và tránh lây lan cho cộng đồng.
Phòng ngừa chủ động
Tổ chức Y tế thế giới đặt thương hàn vào loại bệnh truyền nhiễm công cộng quan trọng. Bệnh lây lan nhiều nhất ở lớp trẻ em 5-19 tuổi. Thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng việc ăn chín, uống sôi cũng là một trong những biện pháp để phòng ngừa bệnh thương hàn và các bệnh qua đường tiêu hóa.
Đây là bệnh được xếp vào loại xưa nay hiếm gặp nhưng rõ ràng bệnh vẫn có thể mắc nếu không có biện pháp phòng ngừa chủ động. BS. Khanh khuyến cáo: “Mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải nhưng trẻ em là đối tượng dễ lây lan. Chính vì vậy biện pháp đầu tiên có thể nói tới là phụ huynh nên hạn chế cho trẻ tiền để tiêu xài. Bởi khi có tiền trong tay trẻ sẽ tự tìm cách tiêu tiền và có thể dùng tiền mua những loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh mà trong đó có vi khuẩn thương hàn. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý sử dụng các loại thức ăn đảm bảo, an toàn, vi khuẩn thương hàn có thể tồn tại ở các món ăn không chín, không sạch. Khi có người mắc bệnh thương hàn cần phải cách ly, điều trị tích cực người bệnh, xử lý chất thải của bệnh nhân đúng quy định. Tạo miễn dịch bệnh thương hàn chủ động bằng việc tiêm chủng vaccine thương hàn. Bệnh thương hàn có miễn dịch lâu bền sau khi mắc bệnh hoặc sau tiêm chủng vaccine đặc hiệu. Đặc biệt lưu ý khi có trường hợp mắc bệnh cần có biện pháp kiểm soát dịch tễ nơi có dịch để thanh trùng, hạn chế việc lây lan cho những người xung quanh. Cần tiến hành các biện pháp khử trùng nguồn nước, diệt côn trùng, vệ sinh môi trường sạch sẽ…”. Ngoài ra, khi có các biểu hiện như sốt cao không giảm, nôn ói, tiêu chảy nhiều… thì cần đi đến BS để được thăm khám và tìm biện pháp điều trị phù hợp tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.
Nghiêm Quế
 
Tránh để biến chứng nặng
BS. Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết: Sau khi nhận thông tin bệnh nhi trên tử vong vì bệnh thương hàn, chúng tôi đã cử đại diện đến xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để điều tra dịch tễ. “Vi trùng gây bệnh có trong phân bệnh nhân, trong nguồn nước và có thể dính vào các loại thực phẩm không được nấu chín. Không phải ai mắc thương hàn cũng bị biến chứng nặng hay tử vong, tuy nhiên nếu bị biến chứng nặng, bệnh nhân có thể bị thủng ruột non, viêm não, mê sảng hoặc hôn mê rồi trụy tim mạch, suy hô hấp” – BS. Dũng khuyến cáo!
P.V
 
 

Bình luận (0)