Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh thủy đậu và những ngộ nhận tai hại

Tạp Chí Giáo Dục

Một bệnh nhi bị mắc bệnh thủy đậu. Ảnh: mamnonvietphap.com.vn

Không ít người tưởng rằng để tránh bệnh thủy đậu lây truyền, chỉ cần cách ly bệnh nhân trong thời gian 4-5 ngày cho đến khi trên cơ thể người bệnh hết các mụn nước… Thực ra, người mắc bệnh thủy đậu có thể truyền siêu vi trùng cho người khác trong thời gian 5-10 ngày…
Trước khi phát mụn bóng nước (hay gọi là nốt trái rạ hay nốt rạ) từ 1-3 ngày, bệnh đã có khả năng lây nhiễm sang cho người lành. Khả năng lây nhiễm này kéo dài từ 3-7 ngày sau khi nốt rạ xuất hiện. 90% số người chưa miễn dịch với bệnh thủy đậu có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Do đó, bệnh nhân nhất thiết phải được cách ly trong thời gian từ 7-10 ngày để tránh lây lan.
Coi chừng ngộ nhận…    
Chỉ có trẻ em mới mắc bệnh thủy đậu? Bệnh thủy đậu do siêu vi trùng Varicella zoster virus gây ra. Đối tượng mắc bệnh đa số là trẻ em từ 5-11 tuổi. Bệnh cũng có thể xảy ra ở người lớn. Khi người lớn mắc bệnh thủy đậu thường nghiêm trọng hơn so với trẻ, sốt cao và kéo dài hơn, các nốt rạ nổi nhiều hơn. Người lớn có nhiều nguy cơ gặp các biến chứng như viêm phổi, nhất là ở những người hút thuốc lá, phụ nữ mang thai và dễ tử vong.
nên cho trẻ bị bệnh thủy đậu tắm bằng nước lá, gốc rạ? Tắm bằng nước lá, gốc rạ, bôi thuốc dân gian không rõ nguồn gốc là những nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng da, dẫn đến các biến chứng nguy hại. Bệnh nhân cần được giữ vệ sinh, tránh ủ kín, theo dõi thường xuyên để phát hiện kịp thời nhất những triệu chứng như sốt cao, mụn bóng nước ửng đỏ xung quanh hay có mủ…
Thuốc chủng (vaccine) phòng bệnh thủy đậu có phản ứng phụ? Thuốc chủng phòng bệnh thủy đậu rất an toàn, dung nạp tốt và phản ứng phụ thấp, chủ yếu là sưng, đỏ quanh vùng da được tiêm, thường nhẹ và thoáng qua. Sau khi được tiêm chủng trẻ có thể sốt và đó là phản ứng bình thường của cơ thể (do bất ngờ tiếp một “người bạn” mới…). Tuy nhiên, không nên tiêm chủng đối với những đối tượng đang bị cơn sốt cấp tính, tuyệt đối không áp dụng chủng ngừa bệnh thủy đậu cho phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai trong 3 tháng tới.
Hậu quả của bệnh
Nhiễm trùng da gây ra sẹo do siêu vi trùng từ bên ngoài hoặc thường trú trên da như: Liên cầu trùng Beta tan huyết, Tụ cầu trùng sinh mủ là biến chứng thường gặp ở trẻ mắc bệnh thủy đậu, xảy ra do vi trùng xâm nhập qua các nốt rạ bị làm vỡ hoặc da bị trầy xước (do ngứa mà trẻ phải gãi…). Nhiễm trùng da làm nốt rạ chứa nước hoặc thành mủ và có thêm nhiều mụn bóng mủ mới. Nốt bóng mủ nếu không được điều trị kịp thời, chu đáo sẽ lan rộng gây viêm mô tế bào, mưng mủ dưới da, viêm hạch lân cận, nguy cơ nhiễm trùng trong máu (nhiễm trùng huyết). Ngoài ra, bệnh thủy đậu còn gây những biến chứng ở hệ thống thần kinh như viêm màng não, viêm não, viêm tủy cắt ngang, gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng vĩnh viễn.
– Khi trẻ mắc bệnh thủy đậukhông được cho trẻ đến trường, nơi công cộng ít nhất là 5 ngày.
Mọi người đều có thể mắc bệnh thủy đậu vì vậy phòng bệnh lây lan là biện pháp rất thiết thực để góp phần ngăn chặn bệnh lan rộng thành dịch. Giặt quần áo thật kỹ lưỡng và khử trùng các dụng cụ cá nhân, đồ chơi bị nhiễm dịch tiết mũi ở trẻ.
Nếu dùng thuốc Aspirin hạ sốt và dùng thuốc có thành phần corticoids dạng uống hay bôi ngoài da nơi vết nốt rạ sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh.
BS.HOÀNG HUY ĐỨC

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)