Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh thủy đậu vào mùa sớm

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM vào những ngày đầu năm. Ảnh: H.Tr
BS. Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết: “Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không để lại sẹo nhưng do cách chăm sóc không đúng nên người bệnh rất dễ gặp phải các di chứng nguy hiểm…”.
Dự báo bệnh sẽ tăng
Bệnh thủy đậu hay dân gian còn gọi là bệnh trái rạ do virus ở đường họng và các bóng nước gây nên. Bệnh có khả năng lây lan cho người khác thông qua đường họng và dễ bùng phát thành dịch nhất là ở những nơi đông người như trường học, ký túc xá, nhà trọ… Biểu hiện của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. BS. Khanh cho biết: “Mới bắt đầu vào mùa nhưng đã có khá nhiều bệnh nhi phải nhập viện tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Đây là bệnh điều trị tại nhà nhưng cũng có những ca bệnh nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm thì phải nhập viện”. Chị Phạm Thị Hương (26 tuổi, ngụ quận 6 TP.HCM) đang có con nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM buồn bã chia sẻ: “Bé Bin được hơn 9 tháng tuổi, ban đầu chỉ thấy có 2 mụn đỏ mọc ở cổ gia đình nghĩ là bị dị ứng nên mua thuốc về bôi. Nhưng bôi được 3 bữa thì không thấy đỡ mà bé còn bị sốt cao, bỏ bú, quấy khóc… Sau đó, đưa vào bệnh viện thì BS khám và bị thủy đậu kèm theo viêm phổi nên phải nằm viện điều trị. Mấy bữa trước phòng bệnh này kín người nhưng nay thì nhiều bệnh nhi đã được xuất viện”. BS. Khanh cho biết thêm: “Bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6, nhưng năm nay từ trước tháng 3 đã có nhiều bệnh nhi phải nằm viện. Dự báo khi bệnh thủy đậu vào mùa thì số người mắc bệnh sẽ tăng và có khả năng tăng cao hơn so với các năm trước”. Anh Lê Kiên (ngụ huyện Hóc Môn) dắt 2 con đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM kể: “Hai anh em cùng bị bệnh thủy đậu mấy bữa nay nhưng anh bị trước rồi lây sang em, toàn thân 2 đứa nổi đầy mụn bóng nước. Cả hai phải nghỉ học ở nhà, bữa nay đi khám thì BS nói chỉ cần mua thuốc về điều trị chứ không phải nằm viện”. BS. Khanh nhấn mạnh: “Biến chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh thủy đậu là các vết sẹo chi chít trên da gây mất thẩm mỹ do người bệnh không được chăm sóc đúng cách và an toàn. Ngoài ra, phải kể đến các di chứng nguy hiểm khác như trẻ có khả năng bị suy giảm hệ miễn dịch, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm não, ảnh hưởng đến thận…”.
Phòng ngừa đúng cách

Một bệnh nhi đang điều trị bệnh thủy đậu tại Bệnh viện Nhi đồng 1
BS. Khanh chia sẻ: “Trước đây, thì bệnh thủy đậu chủ yếu gặp ở trẻ em nhưng ngày nay bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi kể cả người lớn. Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì cần phải chích ngừa vaccine để tránh lây lan cho con. Đối với trẻ em thì phải tiêm vaccine 2 mũi từ khi trẻ được 12 tháng tuổi và đến 4 – 5 tuổi phải tiêm lại. Đặc biệt chú ý tiêm vaccine cho trẻ khi bắt đầu đi học do đây là môi trường dễ lây bệnh. Vaccine là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu và an toàn nhất, cần tránh tình trạng đến khi thành dịch thì mới tiêm chủng và phải tiêm chủng trước 3 tháng trước mùa dịch thì mới có tác dụng”. Bên cạnh đó người mắc bệnh thủy đậu cũng phải tự cách ly, thời gian cách ly là khoảng từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát bệnh cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn. Sử dụng các dụng cụ sinh hoạt cá nhân riêng như ly, chén, muỗng, khăn mặt… Đối với những người chăm sóc bệnh nhân bị thủy đậu thì khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang, rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc”. BS. Khanh nhấn mạnh: “Theo quan niệm dân gian khi mắc bệnh thủy đậu thì phải kiêng nước, kiêng gió, kiêng tắm… để ủ bóng nước. Nhưng trên thực tế đây là việc làm không đúng, cần phải thay đổi vì bệnh nhi nào mà bóng nước vỡ ra càng ít thì sức đề kháng tốt, ít gây biến chứng. Bệnh thủy đậu cần phải được tắm rửa sạch sẽ bằng xà bông để không bị ngứa, hạn chế dùng tay gãi các mụn nước vì nếu bóng nước vỡ ra gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu sẽ nặng hơn, thậm chí có thể gây sốt, giật. Bên cạnh đó, nhiều người còn cho bệnh nhân uống nước gốc rạ, tắm nước gốc rạ để trị bệnh nhưng chưa có một cơ sở nào khẳng định đây là phương pháp chữa bệnh thủy đậu”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
 
Bệnh lây truyền rất nhanh
Bệnh thủy đậu lây truyền rất nhanh, từ trước khi phát ra bóng nước thì trong họng người bệnh đã có virus và đến khi bóng nước khô vẫn có thể lây bệnh nhưng ít hơn. Bệnh có thể lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo hoặc các vật dụng khác đã nhiễm dịch tiết từ các vết mụn phồng rộp của người bệnh.
 
 
BS. Khanh khuyến cáo: “Thủy đậu là một bệnh lành tính nhưng cần được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm tủy…
 
BS. Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM – cho biết: “Trước Tết, tại quận 5 đã xảy ra một ổ dịch tại trường học. Sau Tết, khi học sinh trở lại trường cũng xảy ra một ổ dịch tại khu vực trường học với 10 em bị thủy đậu. Tuy nhiên, sau khi thực hiện cách ly, vệ sinh và khử trùng, từ ngày 28-2 đến nay không phát hiện ca bệnh mới. Thời tiết hiện nay đang chuyển từ lạnh sang nóng, là điều kiện thuận lợi để virus gây bệnh phát triển. Theo đó, nguy cơ xuất hiện chùm ca bệnh là rất lớn. Để phòng bệnh, các quận, huyện phải tăng cường giám sát tại trường học, với những học sinh nghỉ học phải tìm hiểu nguyên nhân nghỉ để phát hiện sớm ca bệnh tránh lây lan…”.
 
H.Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)