Phụ huynh đưa trẻ đến khám bệnh tiêu chảy ở Bệnh viện Nhi đồng 2 ngày 20-8 |
BS.CKII Nguyễn Thanh Hương, Trưởng khoa Dịch vụ 2 – Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Trẻ em thường gặp các vấn đề về tiêu hóa. Trong đó, phải kể đến bệnh tiêu chảy, ngộ độc thức ăn và trào ngược dạ dày. Bệnh có thể dẫn đến tử vong…”.
Tiêu chảy – nguy cơ tử vong cao
Chị Minh Thương có con hiện đang điều trị tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 kể lại: “Mấy ngày trước, trên đường chở bé My (5 tuổi) từ trường mầm non về nhà, thấy một xe đẩy bán bánh bột chiên, bé đòi nên tôi mua cho bé ăn. Khoảng 8 giờ tối, bé kêu đau bụng và đi cầu liên tục. Ngày hôm sau, bé vẫn tiếp tục đi cầu, tôi mua thuốc cầm cho bé uống. Bé ngừng đi nhưng kêu tức bụng, sờ vào bụng thấy cứng, bé không chịu ăn uống. Ngay buổi chiều hôm đó, tôi phải đưa bé vào bệnh viện”…
Một trường hợp khác cũng phải nhập viện là bé Trung Thành (3 tuổi). Trước đó, bé được mẹ nấu cháo lươn cho ăn, ăn xong bé bắt đầu đi cầu. “Ngày thứ nhất bé đi 5 lần, tôi nghĩ là bình thường. Đến ngày thứ 2, bé đi tới 10 lần, tôi hơi lo lắng. Nhưng lúc đó má tôi nói chỉ cần bé đi hết thức ăn thì sẽ khỏi bệnh. Không chỉ có vậy, má tôi còn dặn không được cho bé ăn thịt, trứng nên tôi chỉ cho con ăn cháo trắng. Đến ngày thứ 3, bé vẫn đi cầu nhiều, người lừ đừ, sợ quá tôi vội đưa đi bệnh viện”…
Khi trẻ bị tiêu chảy nếu cho uống thuốc cầm, kiêng cữ ăn uống là sai lầm. Theo BS.CKII Thanh Hương, khi uống thuốc cầm, phân sẽ ứ trong lòng ruột. Từ đó vi khuẩn trong phân sẽ gây ra các bệnh khác cho trẻ. Mặt khác, phân bị ứ trong bụng sẽ gây trướng bụng. Việc chỉ cho trẻ ăn cháo trắng trong khi trẻ đang bệnh sẽ không đảm bảo chất dinh dưỡng, khiến trẻ đã bệnh lại thêm bệnh.
“Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao ở trẻ em. Dấu hiệu cần đi khám BS ngay là: Tiêu chảy kèm sốt, phân có đàm máu. Hoặc trẻ lừ đừ, rịn mồ hôi, tay chân lạnh, bỏ bú, không ăn uống được, nôn ói nhiều. Tiêu chảy rất nhiều lần (5-6 lần/giờ), phân toàn nước, nước phân đục, không tiểu hoặc tiểu rất ít. Trong trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ uống bù nước, dung dịch Ors, nước trái cây pha loãng, nước cháo muối; ăn uống bình thường theo nhu cầu” – BS.CKII Thanh Hương khuyến cáo…
Ngộ độc thức ăn chiếm tỷ lệ cao
Cũng theo BS.CKII Thanh Hương, ngộ độc thức ăn (NĐTA) chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại ngộ độc ở trẻ em. Trẻ bị NĐTA khi ăn phải những thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh; thực phẩm sử dụng phẩm màu hoặc hóa chất trong quá trình chế biến, bảo quản. BS.CKII Thanh Hương cho biết: “Khi bị NĐTA, trẻ thường có các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa sau khi ăn từ một giờ trở đi. Kèm theo là nôn ói vài lần hoặc dữ dội, liên tục. Trẻ đau quặn bụng từng cơn, tiêu chảy, sốt, tiêu đàm máu do tổn thương ruột. Nặng hơn, trẻ có thể bị nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Để phòng ngừa NĐTA, phải dùng thực phẩm an toàn, nấu chín, hâm kỹ, bảo quản trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Phụ huynh phải rửa tay thật kỹ sau khi làm vệ sinh và trước khi sửa soạn thức ăn cho trẻ. Cho trẻ rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn”.
Trào ngược dạ dày thực quản (TNDDTQ) cũng là một bệnh lý tiêu hóa thường gặp ở trẻ em. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, nhất là dưới 6 tháng bị TNDDTQ 20 đợt/ngày là bình thường. Nhưng khi trẻ từ 2 tuổi trở lên thì đã là bệnh mạn tính. Triệu chứng của TNDDTQ là ói mửa, đau bụng, khó khăn khi ăn, suy dinh dưỡng, đau ngực. TNDDTQ tuy là bệnh sinh lý đối với trẻ dưới 2 tuổi nhưng nếu kèm theo quấy khóc khi ăn, viêm phổi tái diễn, ho kéo dài, buồn bã, suy dinh dưỡng, ưỡn ẹo người, ói mửa kèo dài đến 18-24 tháng thì cần phải tới bệnh viện làm xét nghiệm.
Bài, ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)