Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh tim bẩm sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Bình quân cứ 1.000 trẻ sinh sống thì có khoảng 8-10 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Một tỷ lệ tương đối cao.
Có thể phát hiện sớm
PGS-TS Vũ Minh Phúc (Chủ tịch Hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TP.HCM) cho biết tần số mắc bệnh tim bẩm sinh ở trẻ là khoảng 8-10 trường hợp/1.000 trẻ sinh sống (nghĩa là, bình quân cứ 1.000 trẻ sinh ra còn sống thì có khoảng 8-10 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh). Trong số đó, có khoảng 1/2 số lượng mắc bệnh nặng; có một số ít trường hợp bệnh nhẹ, nên về sau khi trưởng thành mới phát hiện (bệnh tim bẩm sinh ở người lớn). Một số trường hợp quá nặng, thai nhi sẽ tử vong từ lúc còn trong bụng mẹ.

Hiện nay, có thể mổ chữa bệnh tim bẩm sinh khi trẻ chỉ nặng dưới 2 kg – Ảnh: T.Tùng
PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh (Phó chủ tịch Hội Tim mạch TP.HCM) cho biết qua theo dõi trên 2.500 trường hợp siêu âm tim ở Viện Tim TP.HCM, các bác sĩ nhận thấy có thể phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh từ lúc thai nhi 5 tháng tuổi. Việc phát hiện sớm thai nhi mắc bệnh tim, theo PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh, có lợi đó là để bác sĩ biết theo dõi và có biện pháp xử trí trong lúc mang thai và sinh đẻ; và sẽ khuyến cáo thai phụ sinh đẻ tại các bệnh viện phụ sản lớn để có thể xử trí được, tránh những bất trắc có thể xảy ra.
Biểu hiện hay gặp ở trẻ là: thường thở khò khè, thở nhanh, lồng ngực lõm khi hít vào; hay bị tím môi, tím đầu ngón tay, ngón chân (với tim bẩm sinh có tím), tím tăng lên khi trẻ gắng sức (như khi khóc); hay mệt, da xanh xao, người lạnh… Tuy nhiên, nhiều trẻ không biểu hiện triệu chứng rõ, đến lớn mới tình cờ phát hiện qua kiểm tra sức khỏe.
Được hỗ trợ phần lớn chi phí
PGS-TS Vũ Minh Phúc cho rằng, lâu nay nhiều gia đình không biết là dù phẫu thuật chữa trị cho trẻ bệnh tim bẩm sinh có chi phí cao, nhưng với trẻ dưới 6 tuổi, nếu chữa trị, mổ ở bệnh viện công lập thì được nhà nước chi trả gần như toàn bộ; gia đình trẻ chỉ đóng thêm một khoản rất ít mà thôi. Vì vậy, các gia đình có trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cần sớm đưa trẻ đi khám, phẫu thuật. Có trường hợp cần phải can thiệp điều trị cho trẻ hai tuần đầu sau sinh. Nếu để lâu việc chữa trị khó khăn hơn, hoặc nguy hiểm tính mạng của trẻ. Một số trường hợp mổ; một số có thể không cần mổ, chỉ cần can thiệp (thông tim can thiệp…).
Theo TS-BS Đỗ Nguyên Tín (giảng viên bộ môn Nhi, Trường đại học Y Dược TP.HCM), bệnh tim bẩm sinh là một trong những dị tật gặp phải hàng đầu ở trẻ em. Tuy nhiên, có thể đưa bé trở về bình thường khả quan hơn so với các loại dị tật khác ở trẻ – nếu được phát hiện, can thiệp kịp thời, chữa trị tốt. Nếu để lâu không chữa trị, biến chứng của bệnh tim bẩm sinh gây ra thường gặp là: suy tim, sưng phổi, xơ hóa mạch máu phổi, tím nặng, có thể tử vong. Hiện nay, các bệnh viện lớn có chữa trị bệnh tim có thể phẫu thuật được khi trẻ còn nhẹ cân (1,8 – 2 kg); không còn phải chờ trẻ nặng trên 5 kg như trước nữa.
theo TNO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)