Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh trĩ, không nên tự chữa

Tạp Chí Giáo Dục

 Từ lâu cho đến nay, nhiều người bị bệnh trĩ nhưng không đi bác sĩ khám mà tìm cách tự chữa hay đi chữa ở nơi gọi là “gia truyền” không được phép của ngành y tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chúng tôi nhận thư của bạn đọc hỏi: “Tôi bị trĩ ngoài độ 3 nhưng chưa có điều kiện chữa trị. Cho tôi hỏi nên uống thuốc gì ngăn bệnh tiến triển xấu hơn ạ?”. Xin trả lời như sau:

Trĩ là bệnh do có sự giãn quá mức các tĩnh mạch ở hậu môn – trực tràng, đặc biệt có sự phình tĩnh mạch các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn đưa đến hình thành búi trĩ.

Tùy mức độ nặng nhẹ bệnh trĩ có 4 cấp độ. Bệnh trĩ ở cấp độ 1 và 2 được xem là nhẹ, người bệnh thường có các triệu chứng sau: đau và có khi chảy máu khi đại tiện, ngứa hậu môn, tiết dịch gây viêm da, ngứa và ướt viêm quanh hậu môn.

Bệnh trĩ ở cấp độ 3 và 4 được xem là nặng, búi trĩ bên trong (nằm trên cơ thắt hậu môn, còn nằm bên trong không thò ra ngoài gọi là trĩ nội) bị sa quá mức gây nghẹt hay tắc mạch gây nứt, á pxe hậu môn, hoặc búi trĩ lòi ra bên ngoài (trĩ ngoại) bị tổn thương nhiễm trùng gây lở loét, xuất huyết trầm trọng hay tạo thành những cục máu đông nằm trong búi trĩ, có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm.

Trong trường hợp trĩ nhẹ có thể dùng thuốc để trị. Có 2 loại thuốc dùng trị trĩ: loại thuốc viên dùng uống và loại cho tác dụng tại chỗ là thuốc mỡ dùng bôi hoặc thuốc đạn đặt vào trong hậu môn.

Thuốc viên uống trị trĩ thường chứa các dược chất có tác dụng làm bền chắc thành tĩnh mạch hay các chất trích từ dược thảo gọi tên chung là flavonoid. Do tác động đến tĩnh mạch nên các thuốc uống trị trĩ còn dùng trị chứng suy giãn tĩnh mạch (tê chân, nổi gân xanh). Ngoài dùng thuốc uống tác động chính trên tĩnh mạch trĩ, bác sĩ có thể chỉ định thêm các thuốc khác như: kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, thuốc trị táo bón…

Người bệnh cần sử dụng thuốc đúng chỉ định, dùng đủ và đúng thuốc, đặc biệt kiên trì dùng thuốc kéo dài đủ thời gian. Còn thuốc cho tác dụng tại chỗ (các thuốc mỡ bôi ngoài hay thuốc đạn đặt trong hậu môn) thường dùng các chất bôi trơn, các chất làm mềm và dịu da, thuốc tê để giảm đau, chất bổ dưỡng làm tổn thương mau lành.

Trường hợp của bạn đọc viết thư hỏi bị trĩ ngoài độ 3. Tức là bạn có thể bị trĩ nặng, lúc đầu có thể bị trĩ nội nhưng sau đó búi trĩ sa ra ngoài trông như trĩ ngoại. Nếu đúng thế bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc hậu môn – trực tràng để khám và chữa trị đúng cách.

Có khi bác sĩ không cho dùng thuốc gọi là ngăn bệnh tiến triển xấu hơn mà phải dùng đến phương pháp ngoại khoa đối với trĩ loại nặng là cắt, đốt, mổ trĩ, thắt búi trĩ…

Ta cần lưu ý điều trị trĩ tốt nhất nên có sự thăm khám, chẩn đoán và theo dõi của bác sĩ. Đặc biệt, có khi bác sĩ phải thực hiện phương pháp ngoại khoa như nói ở trên là phương pháp triệt để trị dứt bệnh khi búi trĩ quá lớn, có kèm sa trực tràng hoặc bệnh kéo dài quá lâu. Ta cũng nên lưu ý có một biến chứng thường thấy ở bệnh trĩ là chảy máu hậu môn.

Nhưng chảy máu khi đi cầu có thể là triệu chứng của nhiều bệnh ở đại tràng, trực tràng, thậm chí có bệnh nguy hiểm là ung thư trực tràng. Vì thế rất cần đi khám bệnh, soi để xác định một cách chắc chắn và để bác sĩ cho hướng điều trị đúng đắn. Người bệnh không tìm cách tự chữa trị khi không biết tình trạng bệnh như thế nào.

Cũng như không nên tìm đến nơi chữa trĩ gọi là “gia truyền” không có phép của ngành y tế mà “tiền mất tật vẫn mang”, thậm chí “hư hoại cả vùng hậu môn – trực tràng do chữa trị trĩ không đúng cách” mà báo chí đã đưa tin.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)