Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh truyền nhiễm: Số người mắc và tử vong còn cao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

BS Bệnh viện Nhi đồng 1 đang khám cho trẻ bị bệnh tay chân miệng
Ngày 2-1-2014, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2013, đồng thời triển khai nhiệm vụ năm 2014. Qua báo cáo cho thấy, năm qua có hàng trăm ngàn người mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm…
Hơn 100 người tử vong do… chó, gà và vịt
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Đối với bệnh truyền nhiễm, trong những năm gần đây, các trường hợp tử vong do mắc bệnh dại luôn đứng hàng đầu. Năm 2013, cả nước có 99 trường hợp tử vong, tăng 1 trường hợp so với năm 2012 (98 trường hợp). Trong đó có 84 trường hợp (chiếm 85%) ở khu vực miền núi phía Bắc như Sơn La (14 trường hợp), Phú Thọ (10 trường hợp), Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai…”.
Việc hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh dại luôn là một trở ngại đối với ngành y tế, bởi bệnh dại trên đàn chó chưa được kiểm soát ở các vùng nông thôn. Đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu – vùng xa, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó còn rất thấp. Ngoài ra, còn có một số lượng không nhỏ là chó nhập lậu. Với những người bị chó cắn, do nhận thức còn kém, kinh tế khó khăn, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn nên ít người đi tiêm vaccine, dẫn đến số trường hợp tử vong tăng. Thực tế cho thấy có tới 98,9% số trường hợp tử vong đều không tiêm vaccine dại sau khi bị chó cắn.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ cho các địa phương khó khăn và chỉ đạo các địa phương quản lý, tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó. Đồng thời, có chính sách miễn phí vaccine tiêm cho người, không để tử vong cao do bệnh dại như hiện nay.
Ngoài chó dại thì gia cầm bị cúm cũng là mối nguy hại đối với sức khỏe con người. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, năm qua, cả nước có 2 trường hợp (ở Đồng Tháp và Long An) tử vong do cúm A/H5N1. Cả 2 trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh. “Nguy cơ tiếp tục bùng phát các ổ dịch bệnh cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm, thủy cầm và lây sang người với số mắc tăng là rất lớn. Bởi, bệnh cúm trên gia cầm vẫn được ghi nhận tại một số địa phương, nhất là các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay với thời tiết đông – xuân rất thuận lợi cho việc phát triển và lan rộng của virus cúm nói chung, cúm gia cầm nói riêng. Bên cạnh đó là tập tục chăn nuôi nhỏ lẻ, vệ sinh kém (vứt thả gia cầm ốm, chết dọc các kênh mương) ở một số bộ phận dân cư. Không những vậy, việc nhập lậu gia cầm từ Trung Quốc và Campuchia, nhất là trong dịp Tết Giáp Ngọ này cũng là nguy cơ lây truyền virus gây bệnh”, bà Tiến nhấn mạnh.
Ám ảnh với hai dịch sốt và tay chân miệng
So với năm 2012, dịch bệnh tay chân miệng năm 2013 đã giảm đáng kể, số ca mắc giảm 49,1%, số ca tử vong giảm 53,3%. Cả năm ghi nhận 78.141 ca mắc, trong đó có 21 ca tử vong. Các ca tử vong tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, bệnh đã không còn là “đặc sản” của các tỉnh phía Nam mà lan rộng ra 63 tỉnh, thành. Bệnh cũng không còn xảy ra theo mùa mà tất cả các tháng trong năm đều rải rác có ca bệnh…
Năm 2012 số trường hợp mắc/tử vong do sốt xuất huyết là 91.566/75, năm 2013 đã giảm xuống còn 69.869/40. Dịch bệnh xảy ra tại 49/63 tỉnh, thành. Ngành y tế đánh giá, năm 2013 là năm có số trường hợp mắc thấp nhất trong vòng 5 năm qua. “Tuy nhiên, việc kiểm soát bệnh sốt xuất huyết một cách ổn định là rất khó, vì chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Thêm vào đó, tại các khu vực đang đô thị hóa mạnh cũng như các khu công nghiệp – khu chế xuất, điều kiện sinh hoạt của công nhân còn kém rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển”, ông Long khẳng định.
Ngoài tay chân miệng và sốt xuất huyết có số ca mắc ở đơn vị hàng chục ngàn người, sốt rét cũng là căn bệnh có nhiều người mắc. Năm qua, cả nước có 30.211 ca mắc, trong đó có trường hợp tử vong ở Phú Yên, Bình Phước, Hà Nội, Khánh Hòa, Trà Vinh. Trong số những ca mắc có 130 trường hợp là những người đi lao động, là chuyên gia từ các nước châu Phi về. Và hàng trăm trường hợp là công nhân, người lao động tại Lào, Campuchia về. Điều đáng nói là không ít trường hợp đã kháng thuốc Artemisinin nên nguy cơ sốt rét quay trở lại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là rất cao.
Bài, ảnh: Kim Anh
Các sở y tế phải xây dựng kế hoạch phòng chống dịch
Để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra, Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế tùy vào điều kiện đặc thù mà xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trình UBND địa phương phê duyệt. Trong đó, kế hoạch không chỉ tập trung vào các hoạt động can thiệp khi có dịch bệnh xảy ra mà còn phải tập trung vào giám sát những yếu tố nguy cơ nhằm ngăn ngừa không cho dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt là phải tổ chức kiểm dịch y tế chặt chẽ tại các cửa khẩu ngăn không cho các bệnh nguy hiểm ở nước ngoài xâm nhập vào nước ta…
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)