Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh từ đi máy bay

Tạp Chí Giáo Dục

Việc ngồi hàng giờ trên máy bay sẽ có những ảnh hưởng không tốt về mặt sức khỏe, nhất là đối với trẻ em. Ảnh: T.H
BS.CKII Nguyễn Thành Lợi (Trưởng khoa Tai, đầu, mặt, cổ, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM) cho biết: “Trong thời đại hiện nay, máy bay là một trong những phương tiện đi lại khá phổ biến. Bên cạnh những mặt lợi mà máy bay mang lại thì chúng ta cũng gặp không ít những ảnh hưởng về mặt sức khỏe, nhất là tình trạng ù tai khi máy bay cất cánh và hạ cánh”.
Dễ bị ù tai
Chính sách bán vé rẻ của các hãng hàng không diễn ra trong thời gian gần đây đã khiến máy bay trở thành phương tiện đi lại khá phổ biến, ngay cả với người dân có thu nhập trung bình. Đi máy bay là phải đối mặt với độ cao hàng ngàn mét, tốc độ di chuyển hàng trăm km/giờ, chuyến bay dài mấy tiếng đồng hồ. Việc ngồi hàng giờ trên máy bay sẽ có những ảnh hưởng không tốt về mặt sức khỏe nhất là đối với trẻ em. Chị Nguyễn Yến Anh (40 tuổi, ngụ quận Gò Vấp TP.HCM) chia sẻ: “Mỗi lần về quê tôi phải đắn đo kĩ rồi mới quyết định cho bé Tũn 3 tuổi về cùng. Do bé còn nhỏ nên mỗi lần về bé lại bị ốm, khi máy bay cất cánh hay hạ cánh thì tai bị ù, người lớn còn thấy khó chịu chứ nói gì đến trẻ em”. BS. Lợi cho biết: “Tai là một cơ quan thính giác, có chức năng nghe và giữ thăng bằng, gồm có 3 phần là tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai giữa (hay hòm nhĩ), có lỗ thông vào mũi họng gọi là vòi nhĩ. Khi hít thở thì không khí sẽ đi vào tai giữa; tai giữa và tai ngoài có một màng ngăn cách gọi là màng nhĩ. Vì vậy hai tai này có khoảng áp lực bên ngoài và bên trong cân bằng nhau. Khi lên máy bay chúng ta sẽ bị ảnh hưởng do áp lực thay đổi đột ngột, áp lực bên ngoài luôn lớn hơn áp lực bên trong do đó gây nên chấn thương áp lực. Đặc biệt bị viêm mũi họng dẫn đến viêm phù nề nên thông không tốt do áp lực bên ngoài tăng áp lực trong giảm làm rách màng nhĩ, viêm màng nhĩ xung huyết, tổn thương hòm nhĩ làm ứ dịch ở hòm nhĩ. Do đó, khi máy bay cất cánh và hạ cánh làm bệnh nhân bị ù tai. Nếu vòi nhĩ thông thoáng với mũi họng thì ù tai sẽ giảm bớt sau đó, nếu không thông thoáng sẽ gây nên bệnh viêm tai giữa, ứ dịch ở hòm nhĩ”.
Một số giải pháp phòng chống
Năm 1982, Hiệp hội Vận chuyển hàng không Mỹ (ATAA) và Hiệp hội Y học Mỹ (AMA) đã thống nhất danh sách các bệnh tật mà người mắc không được phép hoặc nên hạn chế đi trên các chuyến bay gồm: Các bệnh về tim, mạch, các bệnh về đường hô hấp như hen phế quản, lao phổi, viêm xoang, những người cao huyết áp hoặc thấp huyết áp, những bệnh nhân sau phẫu thuật đặc biệt là phẫu thuật tai giữa, phụ nữ có thai trên 32 tuần tuổi.
BS. Lợi cho biết thêm: “Bệnh viện thường tiếp nhận các bệnh nhân bị tổn thương về tai do đi máy bay, nhất là trong xã hội hiện nay khi máy bay là phương tiện đi lại khá phổ biến. Đa số các bệnh nhân nhập viện do bị ù tai hoặc viêm tai giữa. Đây là vấn đề xảy ra cả ở người lớn và trẻ em bởi cơ chế hoạt động của tai giống nhau”. Cách đây chừng 1 tháng bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhi tên L.T.H (6 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), sau khi đi về quê bằng máy bay thì bé bị ù tai kéo dài nhiều ngày không hết. Bệnh này không biểu hiện ra bên ngoài mà chỉ người bệnh mới nhận biết được, bởi trong tai lúc nào cũng thấy xuất hiện âm thanh lạ khiến cho người bệnh khó chịu và khả năng nghe âm thanh bên ngoài trở nên khó khăn.
Có nhiều người khi đi máy bay để tránh tình trạng bị ù tai thường dùng bông để bịt kín hai lỗ tai. Đó chỉ là biện pháp bên ngoài, theo BS. Lợi thì khi lên máy bay chúng ta nên thường xuyên nhai kẹo singum để tạo phản xạ nuốt nước miếng tạo nên sự thông thoáng trong hoạt động ở màng nhĩ. Bên cạnh đó nên làm động tác ngáp và nuốt nước miếng. Nếu như hai biện pháp trên mà không giảm bớt được tình trạng ù tai thì nên làm biện pháp Valsalva, tức là bịt hai mũi, ngậm miệng, phù hơi. Biện pháp này nhằm mục đích đẩy áp lực vào bên trong vòi nhĩ, giúp cân bằng áp lực bên trong và bên ngoài. Nếu chúng ta đang trong tình trạng bị viêm mũi họng hay bị cảm thì nên hạn chế đi máy bay. Sau khi kết thúc chuyến bay mà cơ thể không trở lại trạng thái bình thường nên đi khám BS để được chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp, không nên tự ý ngoáy tai hoặc nhỏ bất kỳ một loại thuốc nào vào tai.
Nghiêm Quế
Phụ huynh cần biết
Theo quy định của hàng không Việt Nam, không chấp nhận vận chuyển các bé dưới 14 ngày tuổi còn các hãng hàng không trên thế giới không chuyên chở các bé dưới 1 tuần tuổi. Các bé mắc bệnh bẩm sinh (tim, hô hấp…), sinh non, thiếu tháng, trọng lượng không đảm bảo hay sống phụ thuộc các thiết bị hỗ trợ bị từ chối nếu mua vé thường. Các trường hợp đặc biệt này cần có sự thỏa thuận riêng đối với các hãng hàng không để nhận sự hỗ trợ đặc biệt. Tốt nhất, nên chờ 2-3 tháng sau sinh mới cho bé đi máy bay. Khi đó, hệ thống miễn dịch của bé đủ sức chống lại được những sự thay đổi của môi trường lạ và phụ huynh cũng đỡ vất vả hơn khi chăm sóc bé. Nếu cần thiết phải bay, hãy cho bé đi khám sức khỏe trước 2 tuần.
M.H
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)