Tòa soạnThư đi – tin lại

Bệnh tự hành xác, người lớn chớ coi thường

Tạp Chí Giáo Dục

Khi bị cha mẹ la mắng, học lực kém, bị bạn bè trêu chọc… một bộ phận thanh thiếu niên có sở thích quái gở là rạch tay. Đây không phải là vấn đề bệnh lý mà là những hành vi thiếu kỹ năng sống. 
Thể hiện bản lĩnh
Qua Hoàng, một tay xăm hình nghệ thuật ở gần chợ Phạm Thế Hiển (quận 8) tôi làm quen với nhóm 9X có sở thích… rạch tay. Nhóm 9X này có 5 người, trong đó lớn tuổi nhất là Nguyễn Hòa Đông (sinh năm 1990). Đông tiếp chuyện tôi với vẻ mặt lạnh lùng, cứng ngắc. Ở cổ tay của Đông chi chít bởi những vết cắt ngang dọc, có vết cắt còn in rõ dòng chữ (sẹo) “Chỉ tại mẹ!”. Tôi tỏ vẻ quan tâm dòng chữ có giọng điệu oán hận kia, không giấu giếm, Đông cho hay: “Nghỉ hè có thời gian nên đi chơi nhiều, ngày nào mẹ cũng nhăn nhó, cáu gắt… Bạn bè đến nhà mẹ cũng không cho gặp, bây giờ bạn bè xa lánh hết, suốt ngày chỉ ở trong nhà buồn quá nên tự rạch tay cho… đỡ buồn”. Rạch tay xong có hết buồn? Tôi hỏi. “Nỗi buồn bỗng biến đâu mất khi máu ra nhiều, đau đớn, chậm máu chút xíu thế là xong”, Đông trả lời.
Nhóm của Đông đều có cùng chung sở thích quái gở là rạch tay. Họ quen và kết thân với nhau qua mạng. Teen nữ Hồ Hoàng Anh (quận 8) chỉ 16 tuổi nhưng số vết cắt còn in lại thành sẹo trên tay có thể gấp nhiều lần số tuổi. Anh liến thoắng: “Những thành viên trong nhóm đều có những nỗi niềm tâm sự riêng. Họ tìm đến với nhau để “giải tỏa” những bế tắc trong cuộc sống. Ai cũng phải tự mình rạch tay mới được tồn tại trong nhóm này”. Qua Đông, tôi được biết, ban đầu Đông chỉ dám dùng thuốc lá châm vào tay, sau này thấy trên blog, một blogger đã đưa những hình ảnh rạch ray của mình lên đó kèm theo những lời tự sự (với tâm trạng na ná giống mình) thế là Đông làm quen với blogger đó. Cũng theo Đông, không ít blogger viết những lời thách thức, chiêu dụ nhiều người có cùng sở thích như mình để không bị người khác cho rằng mình lập dị.
Theo những người trong cuộc, rạch tay không chỉ là một thú vui mà còn thể hiện được bản lĩnh của chính mình. Theo Hoàng Anh, lúc trước khi bị bố la mắng mình thường khóc, còn bây giờ mỗi lần như vậy mình đều dùng compa để rạch tay giải tỏa. Không chỉ rạch ở tay mà còn tự hành xác mình bất cứ chỗ nào trên cơ thể với những lý do hết sức lãng nhách như học lực kém, bị bạn bè trêu chọc, gia đình bất hòa…
Phương Dung (quận 10) mặc cảm vì bố mẹ là con nghiện, bị bạn bè xa lánh, ghét bỏ. Mỗi lần bị các bạn xem thường ra mặt và có lời lẽ xúc phạm thì y như rằng trên cơ thể của Dung lại có một vết cắt mới. Bà Nguyễn Thị Chi, bác ruột đang cưu mang Dung cho biết: “Lần thấy tay cháu bị rướm máu, hỏi thì cháu nói do xảy ra xung đột và xô xát với bạn bè. Nhưng nhiều lần như vậy, tôi tìm hiểu thì mới tá hỏa trong túi xách của Dung lúc nào cũng có hộp dao lam mà Dung sử dụng nó để cứa vào tay mình”.
Không ít các cô cậu học trò sau khi tự hành xác mình rồi ngồi viết lên blog để… làm kỷ niệm và cái chính là để tăng số lượt truy cập vào blog của mình. Qua cô bạn đồng nghiệp, tôi có một vài địa chỉ blog, tôi xin trích lược lại từ blog của hoadong-gionoi. “Tối qua đi overnight với bạn trai, về nhà bị mẹ chửi, tức quá lấy kéo cứa tay ứa máu. Thấy vậy mẹ mới xin lỗi… Các bạn nên xem đây là “chiêu” hay để tránh phải nghe những lời trách mắng của người lớn nhé!”.
Không phải vấn đề bệnh lý
Theo Đông, chuyện rạch tay ứa máu là chuyện thường ngày ở huyện, việc để những vệt máu tự nhiên chảy ra, không rửa, không cầm máu và đi đến chỗ này chỗ kia mới là thứ thiệt. Đáng nói là người trong cuộc còn tổ chức những cuộc thi như vết cắt nào đẹp hơn, dài hơn và số vết cắt nhiều thì người đó sẽ thắng.
Trào lưu tự hành xác mình không rầm rộ nhưng nó ẩn chứa bao mối nguy hại không chỉ về sức khỏe mà còn ở tinh thần và tâm lý của chính người đó và kể cả người thân của họ.

Bác sĩ Nguyễn Bạch Hoài, Bệnh viện An Sinh cho biết: “Trong những lúc bị ức chế tâm lý, không kềm chế được bản thân, việc rạch tay hay bất cứ vị trí nào trên cơ thể cũng có thể dẫn đến việc cắt trúng vào mạch máu hoặc động mạch chủ gây mất máu nhiều, có nguy cơ tử vong. Chưa kể những vết cắt có thể bị nhiễm trùng, lở loét và để lại di chứng về sau”.

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Các em không có dấu hiệu của bệnh tự hành xác cũng không phải là bệnh lý mà là những hành vi thiếu kỹ năng sống. Thiếu sự quan tâm của cha mẹ, thường xuyên bị la mắng, không khẳng định bản thân mình… nên xảy ra hiện tượng này”. Tiến sĩ Sơn lý giải thêm, hành vi đó là sự yếu đuối của con người, thiếu tự tin nên họ tự tạo ra cho mình một sức mạnh ảo tưởng mà lúc thần kinh căng thẳng họ không nhận ra được.
Thường xuyên gần gũi, lắng nghe các em nói là cách tốt nhất để có thể phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện bất thường của các em để có cách giải quyết là lời khuyên của các chuyên gia tâm lý.
 
Tuy An

Bình luận (0)