Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh từ hồ bơi công cộng

Tạp Chí Giáo Dục

Vào dịp hè, hầu hết các hồ bơi luôn đông đúc người, nhất là vào hai ngày cuối tuần thứ bảy và chủ nhật. Chính vì thế mức độ ô nhiễm và nguy cơ về các căn bệnh da liễu, hô hấp cũng gia tăng.

Hồ bơi phải đảm bảo vệ sinh để giữ sức khỏe cho con người 

Đau mắt đỏ là bệnh dễ lây khi đến hồ bơi

Ngay từ đầu tháng 6, các hồ bơi đã mở hết công suất để phục vụ tối đa nhu cầu của các phụ huynh đưa con em mình đến học bơi, rèn luyện thể chất và nâng cao sức khỏe.

Tại hồ bơi Bến Cát, P.5, Q.Gò Vấp, bắt đầu từ cuối tháng 5 số lượng khách đã tăng gấp 3, 4 lần. Ngày cuối tuần tại hồ bơi này có hàng trăm người bì bõm từ 6 giờ sáng cho đến 21 giờ tối. Đó cũng là số lượng người xuống nước tại hồ Rạch Miễu (Q.Bình Thạnh), Kỳ Đồng (Q.3), Yết Kiêu (Q.1), Công Đoàn (Q.Thủ Đức)… Ngoài khách đi bơi hàng tuần, thời điểm này chủ các hồ bơi cũng tổ chức rất nhiều lớp học bơi cho trẻ em dưới 10 tuổi. Vì thế khách đã đông lại càng đông thêm. Diện tích hồ bơi không thay đổi trong lúc số lượng người nhảy xuống hồ tăng vọt chắc chắn khâu vệ sinh sẽ không được đảm bảo như trước.

Theo quan sát của chúng tôi, nếu mùa vắng khách nước hồ lúc nào cũng sạch, trong mát thì vào dịp cao điểm màu nước không còn như trước mà thường xuyên bị đục, có rất nhiều cặn rác dưới đáy hồ. Cũng từ đó mà bệnh tật phát triển nhanh và dễ lây lan hơn trước. Tuy thường xuyên là “mối ruột” của hồ bơi 1/6, P.13, Q.Gò Vấp nhưng trong 2 tháng nay em Nguyễn Ngọc Hoàng – học sinh lớp 5 – đành phải nói lời chia tay với làn nước xanh. Chị Hảo – mẹ của Hoàng cho hay: “Trước đây, hàng tuần cháu chỉ đi bơi vào ngày chủ nhật nhưng dịp hè do được nghỉ học nên một tuần mấy cữ. Cũng từ đó mà suốt ngày cháu bị ho và sổ mũi liên tục”. BS Đinh Anh Tuấn – Chuyên khoa cấp 2 (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, khi thời tiết thay đổi nhất là mùa lạnh hoặc xuống hồ bơi gặp nước có nhiệt độ thấp, mũi của bé sẽ có phản ứng lại với không khí lạnh bên ngoài. Sự giãn nở các mạch máu trong khoang mũi khiến mũi sản xuất nhiều dịch hơn, kết quả là trẻ bị chảy nước mũi. Hồ bơi cũng là môi trường để cho các loại vi khuẩn dễ lây lan từ người này sang người khác. Theo khuyến cáo của BS, ngoài viêm mũi, viêm họng, nguồn nước bẩn của hồ bơi cũng là nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ và các bệnh về mắt. Anh Nguyễn Lương Ngọc – 25 tuổi làm việc tại một văn phòng luật sư ở Q.Thủ Đức nhớ lại: “Năm ngoái do mỗi tuần tập bơi 3 lần nên tôi bị đau mắt đỏ phải ra nhà thuốc tây mua thuốc về xức và uống vài ngày sau mới hết”. Cũng theo anh Ngọc, do chủ quan nên cũng coi thường chuyện nhỏ thuốc phòng ngừa. BS Bùi Thị Thu Hương – Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, đau mắt đỏ là bệnh dễ lây và khi đã bị bệnh phải vệ sinh sạch sẽ, tuyệt đối không đến bể bơi công cộng và những nơi nhiều khói, bụi bẩn vì đây là môi trường dễ làm cho bệnh lan rộng.

Chưa đảm bảo được vệ sinh nguồn nước

Thực tế hiện nay các hồ bơi công cộng vẫn chưa đảm bảo được vệ sinh nguồn nước một cách tuyệt đối. Tại các hồ bơi đều có nội quy bắt buộc là “tắm vòi sen trước khi xuống hồ” nhưng thực tế có rất nhiều người vi phạm. Điều đáng nói là hầu hết các nhân viên bỏ qua không muốn làm khó “thượng đế”. Cũng theo thông báo tại các bể bơi, những người mắc bệnh da liễu không được xuống hồ nhưng thực tế việc kiểm soát vô cùng lỏng lẻo. Trong hồ bơi vẫn có người bị ghẻ lở từng đám dưới chân hay ở đôi tay mà vẫn qua mặt được 3, 4 bảo vệ đứng xung quanh hồ. Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ có trẻ em mà rất nhiều người lớn vẫn vô tư khạc nhổ nước miếng xuống hồ mà không biết tác hại dơ bẩn. Lâu lâu cũng có chuyện một vài đứa trẻ 2, 3 tuổi vô tư “khoe” với cha mẹ vừa mới lỡ cho nước tiểu ra hồ. Ông Ngô Đình Lưu Tiếng – cán bộ Nhà Thiếu nhi Q.Gò Vấp cho biết, việc vệ sinh hồ bơi là rất cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan, bùng phát các bệnh truyền nhiễm trong điều kiện đông người. So với bể bơi ngoài trời, bể bơi trong nhà sạch hơn vì ít chịu tác động của bụi bẩn, nước mưa, phân chim, cây lá… Con người khi xuống hồ cũng góp thêm những chất ô nhiễm gây bệnh như mồ hôi, nước bọt, mỹ phẩm, kem chống nắng, nấm ngoài da… Theo quy định hàng tuần các bể bơi đều phải xử lý nước để loại bỏ các chất ô nhiễm, khử trùng nhằm tiêu diệt vi sinh vật. Tuy nhiên một nhân viên từng phụ trách bể bơi cao cấp trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc P.12, Q.10 cho biết: “Việc thay nước rất khó khăn và tốn kém nên chủ yếu bể bơi được diệt vi khuẩn bằng cách dùng các hóa chất khử trùng”. Chính vì thế đã có nhiều bể bơi dư lượng pH và clo đã vượt quá mức cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà không phải lúc nào cũng được cảnh báo và kiểm tra chặt chẽ.

Bài, ảnh: Quang Phan

Bình luận (0)