Mỗi khi ra đường, nhất là ở các thành phố lớn, chúng ta thường thấy hình ảnh học sinh, sinh viên tranh thủ cầm sách vở đọc trong lúc ngồi chờ ở trạm xe buýt, trên xe buýt hay ngồi sau xe phụ huynh chở (chủ yếu là học sinh tiểu học). Đó là một hình ảnh đẹp thể hiện văn hóa đọc và biết tiết kiệm thời gian của các em. Nguyên nhân khiến các em phải tranh thủ đọc mọi lúc mọi nơi ai cũng biết chủ yếu là do áp lực của việc học. Thời đại này học sinh phải “chạy sô” nhiều quá nên các em buộc phải “chạy đua” kiến thức. Bài tập giáo viên giao về nhà làm nhiều cũng góp thêm gánh nặng cho học sinh. Nguyên nhân thứ hai là do học sinh mải mê với việc khác nên phải học… đường (học ngoài đường) là cách học bù. Thời gian ở nhà các em có thể giải trí bằng cách chơi game, facebook… nên học ngoài đường là phương án để bù vào. Ngoài ra, một số ít do điều kiện khó khăn, thời gian dành cho việc học có phần hạn chế nên các em rất quý trọng thời gian ấy. Bởi vậy các em học như thế là do hoàn cảnh.
Hiện nay tình trạng học sinh học ngoài đường ngày càng gia tăng. Như đã nói, nhìn bề ngoài cứ tưởng đó là hình ảnh tích cực nhưng thực ra vẫn có nhiều mặt trái ẩn nấp trong đó. Việc học sinh học như vậy có tác hại đến sức khỏe. Trước hết là ảnh hưởng tới đôi mắt. Đọc sách vở trong tình trạng chuyển động khiến mắt phải điều chỉnh cho phù hợp để có thể nhìn thấy chữ, như thế vô tình gây căng thẳng cho mắt. Chính vì thế tỷ lệ cận thị, loạn thị trong học đường ngày càng trẻ hóa. Thứ hai ngồi đọc không đúng tư thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cột sống bởi khi đọc sách trong tư thế chuyển động, cơ thể không được thăng bằng. Nhất là khi ngồi sau xe máy, học sinh phải đưa sách cho phù hợp tầm nhìn, trong khi lưng đeo cặp, tạo tư thế ưỡn người ra, vô tình gây nên gù lưng; đó là chưa nói đến tai nạn giao thông có thể xảy ra lúc nào không biết.
Tác hại của việc học ngoài đường rất lớn, rất mong nhà trường và phụ huynh cần dạy cho các em điều này. Mà một trong những việc đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất là “hãy cởi trói kiến thức sách vở” cho các em. Hạn chế kiến thức sách vở và tăng cường những bài học về kỹ năng sống, thực hành. Chúng ta hãy tạo cho học sinh ghi điểm bằng những hành động thực tế có ý nghĩa thiết thực.
Thái Hoàng (Giáo viên Trường THPT Bác Ái, TP.HCM)
Bình luận (0)