Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh văn phòng

Tạp Chí Giáo Dục

“Hội chứng bệnh văn phòng” thực chất là tổng hợp của nhiều loại bệnh khác nhau, có nguyên nhân từ môi trường văn phòng thiếu khí trời, cường độ làm việc căng thẳng, ít vận động, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý đối với mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Một số bệnh văn phòng thường gặp như:
Ảnh: minh họa – Internet
Sức đề kháng kém, dễ mệt mỏi và bệnh vặt
Nhịp độ công việc nhanh, liên tục trong nhiều giờ dễ làm chị em có cảm giác uể oải, thiếu năng lượng. Nếu bị stress hoặc mệt mỏi kéo dài sẽ làm sức đề kháng giảm nhanh, dẫn đến hệ miễn dịch cơ thể yếu đi, dễ mắc các bệnh lặt vặt.
Một thực đơn giàu kẽm và vitamin nhóm B là sự cộng hưởng tốt nhất để giúp quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể được diễn ra nhanh hơn, giúp cơ thể tăng cường năng lượng, sức đề kháng chống lại sự mệt mỏi, căng thẳng do làm việc quá sức, hoặc do thời tiết thay đổi thất thường.
Ngoài ra, các vitamin nhóm B (B1, B3, B6, B12) cần thiết cho hệ thần kinh hoạt động ổn định và khỏe mạnh, giúp tăng tập trung, giảm stress do làm việc quá sức.
Ðau lưng, nhức mỏi khớp
Ngồi quá lâu với tư thế không đúng sẽ dẫn đến đau lưng mãn tính. Song song đó, việc thiếu vận động hằng ngày và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng sẽ mau chóng dẫn đến tình trạng xương trở nên dòn, xốp và tiến nhanh đến quá trình bị loãng.
Vì thế, chúng ta cần phải điều chỉnh tư thế ngồi cho đúng: lưng thẳng, không ngồi lún quá sâu vào lưng ghế, giữ cho phần cột sống không phải liên tục thẳng hoặc cong.
Trên hết, chị em nên thường dùng thực phẩm chứa nhiều canxi. Sữa, cua biển, hàu, sò, cá hồi… đều là nguồn cung cấp canxi, magiê, vitamin D tuyệt vời, giúp ngăn chặn sự loãng xương, giữ khung xương luôn chắc khỏe.
Mỏi mắt và khô da
Làm việc liên tục với máy tính, quá tập trung với ánh sáng màn hình sẽ khiến mắt bạn không chỉ mỏi, khô, mà còn có thể làm nhức đầu, có cảm giác nôn nao. Và môi trường máy điều hòa tại văn phòng, thiếu không khí trong lành làm da mất nước, khô ráp, nổi mụn.
Do đó, bạn nên nghỉ ngơi 5 phút sau 60 phút làm việc cho mắt được thư giãn. Cũng như để làn da được khỏe mạnh, bạn nên uống nhiều nước, sử dụng thêm kem dưỡng ẩm thích hợp với từng loại da.
Quan trọng hơn, để phòng ngừa các bệnh về mắt, bạn cũng cần chú trọng đến việc bổ sung vitamin A để hỗ trợ cho dây thần kinh thị giác. Còn với làn da, chị em đừng quên cung cấp vitamin E và vitamin C – chất chống ôxy hóa tốt, ngăn chặn các phản ứng xấu của gốc tự do trên tế bào, làm chậm quá trình lão hóa, chặn đứng quá trình hình thành hắc sắc tố (melanin), giúp làn da được dưỡng ẩm, trắng sáng và mềm mượt.
Dù rằng bệnh văn phòng không gây nguy hiểm ngay lập tức, nhưng nếu chúng ta thiếu chú ý đến, theo thời gian sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Hãy tập thói quen thả lỏng cơ thể ít phút trong thời gian dài làm việc mỗi ngày, ngồi đúng cách, ăn uống hợp lý, bổ sung vitamin và khoáng chất sẽ giúp bạn tăng sức sống, tinh thần minh mẫn và làm việc khỏe khoắn.
Theo Vi Nguyễn
Báo Thanh Niên

 

Bình luận (0)

Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh “văn phòng”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngồi lâu, sử dụng máy lạnh không hợp lý, tiếp xúc với máy vi tính quá nhiều, áp lực công việc căng thẳng là nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm về cột sống, thần kinh, xương khớp, tuần hoàn, hô hấp, mắt, da…
Bệnh "văn phòng" dùng để chỉ chung các bệnh do làm việc tại văn phòng gây ra. Hậu quả không nhỏ, tuy nhiên do diễn ra chậm và hằng ngày nên không ai để ý đến tác hại của nó.
Nhân viên văn phòng bị đe dọa bởi nhiều loại bệnh
Đau tay, mỏi lưng kinh niên
Chị C.T.N.M, 25 tuổi, là một nhân viên văn phòng thường xuyên làm việc với máy vi tính, khoảng 8 giờ mỗi ngày. Chị bị tê mỏi tay phải suốt nửa năm, khi đi khám bệnh, bác sĩ kết luận chị bị hội chứng ống cổ tay, một bệnh không thể chữa khỏi hẳn và một trong những nguyên nhân gây ra là do chị sử dụng con chuột máy vi tính quá nhiều. Mặc dù đã được phẫu thuật ống cổ tay và tiếp tục đi làm nhưng chị phải hạn chế làm việc nặng, không nâng được vật nặng, thậm chí còn gặp khó khăn khi lên ga trong lúc chạy xe máy. Ngay cả việc sử dụng con chuột của máy vi tính, chị cũng phải chuyển qua tay trái.
Trường hợp khác là bệnh nhân N.T.B, 30 tuổi, bị thoái hóa đốt sống cổ. Là kiến trúc sư nên phần lớn thời gian, anh làm việc với máy vi tính. Bình thường anh ngồi liên tục 3 đến 4 giờ, có khi 6 giờ vào ban đêm để tập trung vào việc thiết kế bản vẽ. Một thời gian sau, anh thấy nhức mỏi vùng cổ, sau đó lan xuống vai và cánh tay khoảng một tháng liền, uống thuốc tây y rồi thuốc nam cũng không khỏi. Anh đã đến khám tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM và được chẩn đoán bị thoái hóa đốt sống cổ.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Phú, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nhân dân 115 TPHCM, khi làm việc từ 3 đến 4 giờ không nghỉ, hệ cơ sẽ mất cân đối, cột sống sẽ chịu một lực âm ỉ, liên tục. Tình trạng này kéo dài sẽ tạo ra các bệnh lý về cột sống như thoát vị đĩa đệm, cong vẹo cột sống hoặc tổn thương thần kinh, dây chằng cột sống. Ngoài ra, ngồi quá lâu trong khi làm việc sẽ làm ứ trệ lưu thông huyết động, có nguy cơ dẫn đến rối loạn tuần hoàn ở vùng hậu môn và trực tràng. Tình trạng này còn nguy hiểm hơn đối với những người đã có nền bệnh lý thoái hóa cột sống lưng, thắt lưng, thoát vị đĩa đệm hoặc cơ địa loãng xương.
Đa dạng bệnh “văn phòng”
Nhân viên văn phòng còn dễ bị các tật về mắt do sử dụng máy vi tính. Theo bác sĩ Hà Tư Nguyên, BV Mắt TPHCM, khi nhìn màn hình máy tính quá lâu ở khoảng cách gần, mắt sẽ điều tiết nhiều hơn. Việc này ban đầu dẫn đến mỏi mắt, lâu dần có thể làm tăng độ cận thị. Ngoài ra, những người làm việc trong môi trường máy điều hòa nhiệt độ còn dễ bị khô mắt do bị giảm lớp nước mắt tráng phủ lên bề mặt nhãn cầu vì ảnh hưởng của máy lạnh và giảm tần số chớp mắt khi làm việc tập trung.
Máy lạnh cũng là nguyên nhân gây khô da cho nhiều người làm việc văn phòng. Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Liên, BV Da liễu TPHCM, lý giải rằng môi trường lạnh có độ ẩm thấp hơn so với bên ngoài, dẫn đến khô da. Tình trạng này làm cho da bị mất nước, nếu kéo dài có thể nhăn da, gây ngứa. Ngoài ra, không khí lạnh có thể làm giảm lớp lipid trên da.
Nhân viên văn phòng cũng có thể bị những bệnh về hô hấp, mà nguyên nhân cũng là làm việc trong phòng máy lạnh. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Lan, Trưởng Khoa Mũi xoang, BV Tai Mũi Họng TPHCM, nhiệt độ mà mũi chịu được chỉ khoảng 16-17°C. Nhiệt độ cao hơn hay thấp hơn có thể làm cho các lông chuyển trong mũi vốn có tác dụng lọc bụi trong không khí trước khi đưa xuống cơ quan hô hấp dưới sẽ hoạt động kém, kích thích niêm mạc viêm, dẫn đến viêm xoang mũi. Chưa kể nếu vệ sinh máy lạnh kém, bụi do máy lạnh thải ra có thể gây dị ứng, phù nề niêm mạc mũi, để lâu dễ gây viêm xoang. Ngoài ra, bệnh hô hấp còn do nhiều người trong một phòng máy lạnh kín dẫn đến không khí ngột ngạt, thiếu ô xy và do mùi hóa chất do mực in và các dụng cụ văn phòng khác gây ra hoặc do bụi từ vụn giấy và các dụng cụ văn phòng khác.
Ngoài ra, theo các bác sĩ, khi ngồi phòng máy lạnh, cơ thể sẽ ít ra mồ hôi, hệ bài tiết sẽ kém, không thải chất độc được ra khỏi cơ thể. Cũng vì không bài tiết nên  ít uống nước, như vậy không bảo đảm lượng nước cần thiết cho cơ thể, dễ gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhân viên văn phòng cũng dễ đối diện với tình trạng đau đầu, stress, căng thẳng hay có thể suy nhược thần kinh do áp lực công việc.
Nguy cơ mắc bệnh
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên nghỉ ngơi ít nhất 15 phút sau mỗi giờ để thực hiện các động tác thể dục đơn giản, giúp cơ thể tuần hoàn máu, vận động hệ cơ, xương khớp. Tập ngồi đúng tư thế, làm việc ở nơi đủ ánh sáng, thỉnh thoảng nhắm mắt thư giản sau khi làm việc với máy vi tính. Nên bôi kem làm ẩm da để duy trì lớp lipid, uống nhiều nước. Vệ sinh máy lạnh thường xuyên, thỉnh thoảng ra ngoài phòng làm việc hoặc mở cửa cho thoáng khí nếu tắt máy lạnh. Nhiệt độ thích hợp cho sức khỏe là khoảng trên dưới 20°C.
Bài và ảnh: Kim Hương / Người Lao Động