Theo ông Phan Đằng Long, Khoa Khúc xạ – Bệnh viện Mắt TP.HCM, thống kê của ngành giáo dục hiện cả nước có 15% trẻ em trong độ tuổi đi học bị tật khúc xạ về mắt. Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh (HS) thành thị bị tật khúc xạ chiếm 30%, cao gấp hơn 2 lần HS ngoại thành, mặc dù các em có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn.
HS một trường THCS tại Q.1, TP.HCM tại một tiết học tiếng Anh |
Tật khúc xạ gồm cận thị, viễn thị, loạn thị. Trung bình một tháng, khu khám điều trị trong ngày của Bệnh viện Mắt TP.HCM tiếp đón khoảng 12.000 lượt HSSV đến khám, trong đó, tỷ lệ tật khúc xạ là 1.500 lượt, chiếm 12,5%. Riêng phòng khám khúc xạ đo khám cho 3.400 lượt bệnh nhân, trong đó tỷ lệ HSSV chiếm 20-30%. Số HS mắc bệnh cũng tỷ lệ thuận với cấp học, học càng lên cao, HS mắc tật khúc xạ càng tăng. Cụ thể, HS THPT cao gấp 1,3 lần HS THCS. HS THCS cao gấp 2 lần HS tiểu học. Ở trường chuyên, HS mắc tật khúc xạ chiếm đến 80%. Và cũng không thể không nói đến tật khúc xạ đã và đang xuất hiện ở trẻ học mẫu giáo.
HS một trường TH ở TP.HCM đọc sách tại thư viện |
Theo ông Long, 3 yếu tố thường gặp trong cuộc sống hiện nay gây nên tật khúc xạ cho HS, đó là học tập, sinh hoạt thiếu khoa học; trẻ sinh thiếu tháng; bố mẹ cận thị. Trong đó học tập, sinh hoạt thiếu khoa học là yếu tố nguy cơ cao.
HS một trường THCS, THPT tại TP.HCM tham gia chương trình hướng đến biển đảo quê hương |
“Bàn ghế học tập không phù hợp với tầm vóc, lứa tuổi của HS. Khi viết, làm bài tập, HS để mắt gần sát mặt bàn mà không được người lớn nhắc nhở kịp thời. Nơi học tập, đọc sách thiếu ánh sáng. Một số HS say mê đọc sách, truyện có cỡ chữ quá nhỏ hoặc vừa đi vừa đọc, vừa nằm vừa đọc. Đối với chương trình học chính khóa hiện nay được xem là quá tải so với lứa tuổi các em. Nổi bật là những em cả ngày học ở trường, cả tuần học ở trường. Ra khỏi lớp lại phải học thêm từ 1 đến 2 buổi trong 1 tuần. Vì thế, thời gian sinh hoạt ngoài trời dành cho hoạt động thể chất, cộng đồng, đội nhóm… không nhiều. Đáng lưu ý, HS đang có xu hướng sử dụng các loại thiết bị công nghệ như điện thoại, iPad, máy tính… ngày càng nhiều, phổ biến và sử dụng từ lúc còn quá nhỏ. Chính thực trạng này khiến đôi mắt các em từ tinh nhanh, chuyển dần sang mệt mỏi và không tránh được tật khúc xạ. Tật khúc xạ dễ tiến triển nhanh, đặc biệt trẻ ở tuổi từ 7 đến 9 và 12-14 tuổi”, ông Long cho biết.
Xu hướng sử dụng các loại thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, máy tính… ngày càng phổ biến ở trẻ nhỏ là nguyên nhân mắc các tật khúc xạ |
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Bệnh lan nhanh, chớ xem thường Mặc dù số lượng HS bị tật khúc xạ ngày càng gia tăng, bị từ rất sớm nhưng nhiều bậc phụ huynh không biết, hoặc chưa quan tâm mấy về vấn đề này. Cũng có những phụ huynh cho rằng tật khúc xạ là do di truyền, khiến cho bệnh được phát hiện muộn. Ngay như thống kê tại Khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt TP.HCM trong năm 2013, khảo sát trên gần 5.200 HS lớp 1, lớp 6 và lớp 10, có đến 25% HS mắc tật khúc xạ, nhưng chỉ có 8% đeo kính, chỉ có 30% trong số ấy được đeo kính đúng với tình trạng của mắt. Số còn lại đeo kính không đúng tiêu chuẩn hoặc không đeo kính. Ông Long cảnh báo, tật khúc xạ không sớm phát hiện và có biện pháp ngăn ngừa kịp thời từ khi mới khởi phát có thể gây ra các biến chứng như nhược thị, lé… và thị lực khó có thể phục hồi như cũ. Dù có áp dụng tất cả các biện pháp điều trị tiên tiến nhất, kể cả phẫu thuật thì thị lực đạt ở mức tối đa không cao. Riêng người cận thị, bệnh lý dễ có nguy cơ bong võng mạc nếu có những sang chấn hoặc hoạt động mạnh như chơi các môn thể thao mạnh, cường độ và tính đối kháng cao. |
Phải can thiệp sớm Theo ông Long, phụ huynh và cả giáo viên, nhân viên y tế học đường không nên bỏ qua những dấu hiệu không bình thường về mắt của trẻ. Thấy trẻ dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu khi xem chữ trên bảng phải; Đọc viết chậm, dễ mắc lỗi; Nhìn gần hơn so với trẻ bình thường khi đọc sách, xem ti vi, máy tính; Nhìn xa không rõ; Trẻ than thở mắt nhìn mờ, nhức mắt, nhức đầu, chảy nước mắt, học hành sút kém… thì nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám thị lực. Tốt nhất là nên đưa trẻ đi khám thị lực định kỳ 6 tháng một lần. Đối với những trường hợp trẻ sinh non, nhẹ cân, gia đình có người cận, loạn hoặc viễn thị nặng thì phụ huynh nên cho trẻ đi khám khi 1 đến 2 tuổi. |
Bình luận (0)