Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh vì… làm đẹp móng tay, móng chân

Tạp Chí Giáo Dục

Nên cẩn thận khi làm đẹp móng tay, móng chân. Ảnh: T.L

Cứ nhìn các tiệm nail mọc lên như nấm ở khắp mọi nơi thì cũng đủ biết nhu cầu làm móng của chị em phụ nữ nhiều đến cỡ nào. Tuy vậy, ít ai nghĩ rằng việc làm đẹp này đã vô tình khiến chị em rước bệnh vào thân.
Suýt mất ngón chân vì làm đẹp cho móng
Gần hai tuần nay, ngón chân cái của chị Thiên Lam (nhân viên một công ty bảo hiểm ở Q.1) sưng tấy, khiến cho việc đi đứng gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ có vậy, thỉnh thoảng chị lại gặp cảm giác nhức nhối, đau giật, nhất là về đêm. Tuy vậy, chị lại không muốn đi bệnh viện, một phần vì không có thời gian, một phần chị nghĩ từ từ rồi cũng khỏi. Nhưng cách đây vài ngày, ngón chân cái của chị bắt đầu tụ mủ, người thì sốt. Lúc này chị thật sự lo lắng và vội vã đi khám bệnh. Tại bệnh viện, BS cho biết chị bị bệnh chín mé, nếu cứ để liều không đi khám có thể dẫn đến viêm xương, viêm khớp phải cắt bỏ ngón chân.
Một trường hợp khác là chị Kiều Băng (nhân viên ngân hàng). Chị Băng cho biết: “Cách đây không lâu, mấy đầu ngón tay của tôi bỗng dưng bị sưng tấy. Tôi làm việc văn phòng, ngày nào cũng phải đánh máy nhưng các đầu ngón tay đau nhức nên không làm được. Khi tôi đi khám thì BS cho biết đó là bệnh chín mé”.
Theo BS. Thục Đoan, Sở Y tế TP.HCM thì: “Chín mé là tình trạng nhiễm trùng tạo mủ hoặc áp xe ở đầu múp các ngón tay, ngón chân. Nguyên nhân thường gặp là tụ cầu khuẩn vàng. Đây là một bệnh ngoài da, nếu không biết cách chữa trị, giữ vệ sinh thì bệnh dễ diễn biến dai dẳng, dễ tái phát. Việc đi làm móng tay, móng chân ở tiệm của chị em phụ nữ, việc mang giày cao gót, bít mũi là những nguyên nhân góp phần cho bệnh chín mé xảy ra…”. Quả đúng vậy. Cả chị Thiên Lam và chị Kiều Băng đều thừa nhận trước khi bị bệnh 1-2 ngày, các chị đều đi làm móng.
Phòng bệnh bằng cách nào?
Về biểu hiện của bệnh chín mé, BS. Thục Đoan cho biết: “Bệnh chín mé tiến triển qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 xảy ra khoảng 1-3 ngày đầu. Theo đó, ở đầu ngón chân, ngón tay xuất hiện một chỗ sưng phồng, tấy đỏ, ngứa. Sau đó đau nhức, khó chịu, có khi cứng ngón, khó cử động. Giai đoạn 2 từ ngày thứ 4 đến thứ 7. Đây là thời kỳ viêm lan tỏa, lan rộng ra xung quanh cả ngón. Bệnh nhân có cảm giác nhức nhối, căng tức, đau giật theo nhịp mạch đập, có thể sốt nhẹ. Giai đoạn 3 có hiện tượng tụ mủ ở điểm sưng đỏ lúc đầu. Bệnh chín mé nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây những biến chứng như viêm xương, viêm khớp hoặc nhiễm trùng huyết, dẫn đến tử vong…”.
Khi bị bệnh chín mé, bệnh nhân cần giữ vệ sinh sạch chỗ bị bệnh để tránh nhiễm trùng thêm. Có thể ngâm rửa bằng thuốc tím pha loãng, sau đó bôi mỡ kháng sinh như axit fusidic (Fucidin, Foban) hoặc mupirocin (Bactroban). Nếu chín mé làm mủ cần rạch thoát mủ kết hợp với dùng kháng sinh (nhóm Oxacillin, Amoxicillin hoặc Erythromycin). Đặc biệt, khi vết thương sưng đau nhiều, đáp ứng kém với điều trị thì nên chụp X-quang nhằm xác định tình trạng biến chứng của bệnh. Từ đó sẽ có cách điều trị phù hợp… “Để không bị bệnh chín mé, cần rửa tay, chân sạch sẽ hàng ngày; tránh ngâm tay, ngâm chân trong nước quá lâu. Thường xuyên thay vớ, tránh để cho chân bị ẩm ướt, không đi chân đất, tránh để cát bụi dính vào các kẽ ngón chân. Hạn chế mang giày cao gót, giày bít ngón, không đi giày dép quá chật. Tránh chấn thương hay trầy xước đầu ngón tay, ngón chân, khi bị trầy xước cần bôi thuốc sát trùng và giữ vệ sinh. Lưu ý, khi cắt móng tay, móng chân không cắt quá sát vào da, không lấy khóe sâu ở hai bên cạnh của móng, không cắt móng tròn…”, BS. Thục Đoan khuyến cáo.
Kim Anh

Bình luận (0)