Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh viêm não tăng theo mùa

Tạp Chí Giáo Dục

Theo cảnh báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là thời điểm bùng phát bệnh viêm não nhất ở các bệnh nhi. Bệnh viêm não do nhiều loại virus gây nên nhưng hiện nay chưa có thuốc và chưa có đủ vaccine phòng chống hết các loại virus nên các bậc cha mẹ phải quan tâm và chú ý đến sức khỏe của trẻ nhỏ.

Thời tiết thay đổi bất thường khiến trẻ dễ bị nhiễm và lây các bệnh viêm não (ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM)

Theo thống kê trên toàn quốc, hàng năm có từ 2 đến 3 ngàn ca viêm não trong đó viêm não Nhật Bản chiếm từ 30 đến 40%.

Triệu chứng mờ khó nhận biết

GS.TS Phạm Ngọc Đính – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, những mùa thời tiết lạnh dễ khiến cho bệnh viêm não mô cầu gia tăng. Mắc bệnh nhiễm khuẩn là cơ hội để gây ra bệnh viêm màng não và khả năng lây lan ra cộng đồng cao hơn. Theo TS. Đính, bệnh viêm não là tình trạng viêm ở não do virus gây ra. Dù là căn bệnh không phổ biến nhưng lại hay gặp ở trẻ nhỏ, người già có thể lực và hệ miễn dịch yếu. Không giống như các loại bệnh khác, viêm não gây khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh do triệu chứng không rõ ràng. Ở mức độ nhẹ dấu hiệu của căn bệnh này cũng như cảm sốt thông thường như: nhức đầu, nóng sốt, kém ăn, mệt mỏi. Các ca bệnh nặng hơn thì gặp triệu chứng sốt cao bất thường và kéo dài. Những triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh trung ương như: nhức đầu dữ dội, sốt cao, nhầm lẫn, mất phương hướng, thay đổi tính khí, co giật, hôn mê. Đây là cơ sở để đánh giá đúng bệnh. Ở trẻ sơ sinh các triệu chứng trên khó phát hiện nhưng cũng có một số dấu hiệu quan trọng giúp người nhà dễ dàng nhận biết như: khóc liên tục, khó ngủ khó ăn, thóp đầu phình lên, không chịu ẵm bế…

“Phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm chủng đầy đủ liều theo khuyến cáo của trung tâm y tế dự phòng. Ngành y tế thường xuyên lên kế hoạch để các cơ sở y tế địa phương quan tâm hơn tới các mùa dịch và cả tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm ảnh hưởng tới con người” – TS. Phạm Ngọc Đính nhắc nhở.

Tại các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Chợ Rẫy trong một tuần tiếp nhận trung bình 1, 2 ca nhưng vào mùa cao điểm có thể lên đến 9, 10 ca. Khi gặp triệu chứng liên quan đến viêm não Nhật Bản, viêm não mủ, viêm não mô cầu, các BS thường phải chẩn đoán bằng nhiều xét nghiệm bao gồm chụp CT, chụp cắt lớp cộng hưởng từ, kiểm tra não có bị sưng phù, xuất huyết hay những bất thường khác về não. Bên cạnh còn kiểm tra vi khuẩn hoặc virus trong máu thì phải xét nghiệm máu nhiều lần. Nếu cần phải chọc dò tủy sống nhằm kiểm tra dấu hiệu nhiễm bệnh. Các bệnh viêm não đều là những căn bệnh nhiễm trùng cấp tính có điểm chung là gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương. Viêm não Nhật Bản do virus viêm não Nhật Bản là tác nhân gây bệnh nên được gọi theo tên của loại virus đó. Viêm não mủ hay viêm não nhiễm khuẩn là hiện tượng viêm các màng bao bọc quanh hệ thần kinh trung ương (gồm não và tủy sống) do các vi khuẩn gây bệnh trong khoang dịch não tủy. TS.BS Nguyễn Huy Luân – Phòng khám Nhi – Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM cho biết, viêm não mô cầu là bệnh do một loại vi trùng có tên là Neisseria meningitidis gây nên. Viêm não mô cầu nặng nếu biến chứng sẽ gây viêm màng não làm nhiễm trùng não, phù não. Biến chứng của tăng áp suất sọ não khi phù não, áp xe trong não, nhiễm trùng huyết rất dễ gây tử vong. Đó là trường hợp của bé gái V.H.N.Y (5 tháng tuổi, ngụ Q.11) đã bị tử vong đầu tháng 6 năm nay do viêm não mô cầu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Theo lời kể của người nhà, khi nhập viện bé Y. trong tình trạng sốt cao nhiều ngày, tím tái, da có dấu hiện xuất huyết nhiều mảng và tử vong chỉ sau vài giờ nhập viện.

Căn bệnh nguy hiểm với trẻ nhỏ

Theo lời khuyên của BS, các bệnh viêm não đều rất nguy hiểm và thời gian chuyển bệnh nhanh dễ gặp biến chứng. Các dấu hiệu và triệu chứng lại không rõ ràng, người lớn dễ nhầm lẫn với những căn bệnh thông thường khác. Vì thế nếu có những triệu chứng bất thường người nhà phải theo dõi kỹ, không chủ quan lơ là. Nếu diễn biến xấu phải lập tức đưa ngay đến bệnh viện không chần chừ, chờ đợi để được cứu chữa kịp thời. Cái sảy nảy cái ung, nhiều trường hợp tử vong một cách đáng tiếc cũng do người nhà chủ quan và theo dõi bệnh tình không sát và thiếu kinh nghiệm. BS Luân khuyên, hạn chế cho trẻ tụ tập những chỗ đông người, nơi mất vệ sinh nhất là mùa thời tiết thay đổi, khí hậu lạnh. Khi ở nhà phải giữ vệ sinh cho trẻ tránh lây nhiễm vi trùng từ môi trường xung quanh. Thường xuyên rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ, sử dụng khăn sạch khi trẻ ho khạc. Chú ý các triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh như trẻ ói mửa, nhức đầu, quấy khóc mè nheo, bứt rứt, khó chịu trong người để đưa đi cấp cứu kịp thời. Những trẻ mạnh khỏe, không bệnh tật thì ít có triệu chứng bất thường như vậy. Viêm ở não còn do muỗi truyền bệnh nên phải tích cực diệt lăng quăng, trừ muỗi thường xuyên.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)