Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh viêm não vào mùa nguy hiểm

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh viêm não có thể xảy ra quanh năm, nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng hè, đỉnh điểm từ tháng 5 tới tháng 7. Viêm não là dịch bệnh rất nguy hiểm khi đối tượng mắc chủ yếu là trẻ nhỏ, nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong, hoặc cứu sống được cũng bị các biến chứng nặng nề về thần kinh. 

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị cho một trẻ bị viêm não

Mắc bệnh vì chưa tiêm ngừa vaccine

Ở Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Nhi Trung ương, các giường bệnh điều trị trẻ viêm não đông kín bệnh nhân. Nhiều trẻ trong tình trạng bệnh rất nặng, không chỉ sốt cao, đau đầu, nôn trớ mà còn bị rối loạn ý thức, co giật, thậm chí hôn mê.

Đưa con mới 6 tuổi từ Hải Dương lên Bệnh viện Nhi Trung ương để nhập viện vì viêm não, chị Lê Thanh Hà cho biết, mấy ngày trước, đi học về cháu có triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, cứ tưởng cháu bị cảm cúm do trời nóng quá nên gia đình mua thuốc cho uống.

Tuy nhiên, sau hơn 3 ngày ở nhà uống thuốc, bệnh không đỡ mà cháu còn sốt cao li bì trên 390C; uống thuốc hạ sốt không giảm, đau đầu, buồn nôn nên gia đình đưa cháu vào bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu. Tại đây, sau khi được làm các xét nghiệm cơ bản và chọc dịch não tủy, các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị viêm não nên phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. 

Theo PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não, viêm màng não là bệnh do hệ thần kinh trung ương bị viêm nhiễm. Căn nguyên chính dẫn đến bệnh viêm não ở trẻ nhỏ là virus (virus viêm não Nhật Bản, virus gây bệnh sởi, tay chân miệng… dẫn đến biến chứng viêm não) và cũng có nhiều trường hợp không phát hiện được căn nguyên gây bệnh. Bệnh có thể bị lây nhiễm khi bị muỗi đốt, hoặc lây qua đường tiêu hóa, hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp.

Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận 300 – 500 ca viêm màng não, trong đó vào thời điểm hiện nay, bệnh viện đang điều trị cho 30 bệnh nhi mắc viêm não và viêm màng não với nhiều mức độ và lứa tuổi khác nhau, di chứng nặng nề. Đáng lưu ý, hầu hết trường hợp trẻ bị viêm não đang điều trị tại bệnh viện đều chưa được tiêm phòng vaccine ngừa viêm màng não trước đó.

Tử vong cao, biến chứng nặng

Theo các chuyên gia y tế, biểu hiện thường thấy nhất của viêm não, viêm màng não là sốt đột ngột (39 – 400C). Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ sợ ánh sáng, cứng gáy, mê sảng, co giật, mất ý thức… Mặc dù hàng năm số trẻ mắc viêm não không cao nhưng đây là một căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng, đặc biệt có thể lây lan qua đường hô hấp.

Hơn nữa với thể nhiễm khuẩn huyết viêm màng não mủ có thể gây diễn biến tối cấp, làm bệnh nhân tử vong ngay trong vòng 24 giờ khởi bệnh. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 24 – 48 giờ khởi bệnh thì tỷ lệ tử vong giảm chỉ còn hơn 10%. Do đó, nhận biết các triệu chứng và điều trị sớm, nhanh là rất quan trọng.

Tuy nhiên, đây lại là vấn đề không dễ dàng khi những triệu chứng ban đầu của viêm não khá giống với cảm cúm thông thường nên không ít trường hợp khi nhập viện đã quá muộn!.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ tháng 5 tới tháng 7 hàng năm thường là giai đoạn mà thời tiết nóng bức, mưa nhiều, là điều kiện lý tưởng để muỗi, các vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển làm lây truyền bệnh viêm não.

Để phòng tránh dịch bệnh nguy hiểm này, ngay khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sốt cao, đau đầu, buồn nôn và cứng gáy, gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời; tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Quan trọng và hiệu quả hơn là các gia đình cần cho trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh theo đúng độ tuổi, đúng thời gian và tiêm đủ mũi.

Bộ Y tế vừa cấp phép cho vaccine Imojev ngừa viêm não Nhật Bản do Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất tại Thái Lan được lưu hành sử dụng tại Việt Nam. Đây là loại vaccine ngừa viêm não Nhật Bản thế hệ mới nhất dùng để tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc khi trẻ lên 1-2 tuổi. 

Hiện tại Việt Nam đang lưu hành 2 loại vaccine ngừa viêm não Nhật Bản. Trong đó, có một loại trong Chương trình tiêm chủng mở rộng do Việt Nam sản xuất tiêm cho trẻ 12 tháng tuổi, tiêm nhắc mũi 2 lúc 1-2 tuần và tiêm nhắc mũi 3 là 1 năm sau.

Theo Minh Khang/SGGPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)