Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh viện dùng công nghệ 4.0 kiểm soát dịch

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh việc sàng lọc, khai báo y tế, giới hạn người nuôi bệnh, nhiều bệnh viện còn kiểm soát dịch COVID-19 bằng phương thức nhận diện gương mặt, cài đặt dấu vân tay, áp mã code…

Trước tình huống nhiều bệnh viện (BV), phòng khám tại TPHCM phải phong tỏa, cách ly do dịch COVID-19, các BV đã linh hoạt bổ sung phương thức kiểm soát dịch để phòng, chống. Với quyết tâm không chỉ sàng lọc bệnh từ bên ngoài, BV còn chủ động rà soát chặt chẽ bên trong bằng công nghệ 4.0 song song với những phương thức hiện hành.

Nhận diện gương mặt, dấu vân tay… 

Sắp tới giờ nuôi bệnh, tại cổng quản trị của BV Nhi Đồng 2 (TPHCM), các ông bố, bà mẹ đến khay đựng thẻ, xếp hàng. Đội bảo vệ BV đến đo thân nhiệt, kiểm tra khai báo y tế điện tử, rồi lần lượt nhận diện thân nhân bệnh nhi qua phần mềm “quét” gương mặt để người nuôi vào khoa chăm bé. Quy trình kiểm soát chỉ vài phút. 

Chị Trần Thị Ngọc Dung (ở tỉnh Đồng Nai) có con đang nhập viện tại Khoa Nhiễm, cho biết sau khi khám bệnh, bác sĩ thông báo con chị cần phải nhập viện, chị được điều dưỡng hướng dẫn làm thẻ nuôi bệnh. Ngoài các thông tin về họ tên, mã số bệnh nhân, số đăng ký… thẻ nuôi bệnh còn có mã code điện tử để bảo vệ của BV dễ dàng nhận diện người nuôi bệnh. “Tôi thấy yên tâm hơn với việc quét thẻ nuôi bệnh. Khi bảo vệ quét thẻ nhận diện theo gương mặt sẽ kiểm soát được người làm giả thẻ; hay có lỡ rớt mất thẻ, người nhặt được cũng không thể giả mạo vào BV trộm cắp, móc túi…”, chị Dung nói.

Quản lý người nuôi bệnh bằng mã code nhận diện gương mặt tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ảnh: Phạm An

Từ tháng 1/2021, BV Chợ Rẫy (TPHCM) cũng thành lập các ki-ốt quét dấu vân tay tại các khu nội trú để quản lý người nuôi bệnh. Mỗi khu nội trú có từ 2-4 ki-ốt đặt ở thang máy. Thân nhân bệnh nhân muốn lên nuôi người nhà sẽ phải “quẹt tay” để bảo vệ hoặc nhân viên quản lý thang máy kiểm tra trước khi vào nuôi bệnh.

Sau khi thân nhân bệnh nhân ấn tay vào máy xong, bảo vệ luôn nhắc nhở mọi người rửa tay bằng nước khử khuẩn đã chuẩn bị sẵn. Theo thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy, do bệnh nhân tại đây đa phần bệnh nặng, điều trị lâu dài nên BV đã hỗ trợ mỗi bệnh nhân có hai người nuôi. Cả hai người đều được lấy dấu vân tay để dễ dàng thay phiên chăm bệnh. Tuy nhiên, ở mỗi lần nuôi bệnh, chỉ một người được vào phòng bệnh. Để kiểm soát số lượng, thân nhân bệnh nhân chỉ được cấp một chiếc áo màu vàng để nhận diện là người đang nuôi trực tiếp. 

Còn ở BV Truyền máu Huyết học TPHCM, ngoài quản lý thân nhân bệnh nhân, BV đã triển khai ứng dụng camera thông minh giám sát rửa tay của nhân viên y tế để kiểm soát nhiễm khuẩn. Hiện tại, ứng dụng này đang phát huy rất tốt trong việc phòng, chống dịch COVID-19 từ nhân viên y tế bằng việc lắp đặt camera thông minh vào các thiết bị rửa tay sẵn có của BV. Khi nhân viên y tế đến rửa tay, camera sẽ ghi lại và tự động thống kê số lần rửa tay của mỗi nhân viên, mỗi khoa lâm sàng theo thời gian hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng.

Không cứng nhắc trong phòng, chống COVID-19

Bác sĩ Lê Thị Minh Hồng, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 2, cho biết: “Việc kiểm soát người nuôi bệnh bằng gương mặt sẽ hạn chế tối đa các tiếp xúc, giúp thân nhân bệnh nhi, cũng như nhân viên BV hạn chế tối đa lây nhiễm COVID-19…

Ngoài ra, ứng dụng nhận diện gương mặt cũng phát huy vai trò quan trọng trong quản lý an ninh nội viện, bởi kẻ gian không có cơ hội trà trộn vào bên trong thông qua thẻ nuôi bệnh thông thường như trước đây”. Theo bác sĩ Hồng, hiện BV có 777 bệnh nhi. BV quy định mỗi bệnh nhân chỉ được phép một người thân nuôi trực tiếp. Từ khi có mã code nhận dạng gương mặt người nuôi bệnh, số lượng người tại BV đã được kiểm soát chặt chẽ. Nếu người nuôi bệnh cần được nghỉ ngơi, BV sẽ hỗ trợ đăng ký nhận diện gương mặt cho người thân khác để thay thế.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho hay không chỉ kiểm soát dịch COVID-19 bằng dấu vân tay người nuôi bệnh, BV cũng đã khuyến khích người nuôi bệnh thực hiện test nhanh COVID-19 và bệnh nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng Realtime RT-PCR để đảm bảo sự an toàn trong BV.

“BV có 1.300 bệnh nhân đang nhập viện điều trị. Để kiểm soát dịch hơn nữa, BV khuyến khích tất cả thân nhân và 1.300 bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm này. Đến nay, 100% thân nhân, bệnh nhân đều có kết quả âm tính. Trường hợp bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ cộng đồng trước khi được chuyển đến BV, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, nếu âm tính, bệnh nhân sẽ được điều trị bình thường. Khi chuẩn bị xuất viện, bệnh nhân này sẽ được xét nghiệm một lần nữa để chắc chắn khỏe mạnh khi về nhà”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức nói.

Riêng đối với các trường hợp cấp cứu khẩn cấp nhưng bệnh nhân chưa có thân nhân, BV sẽ cấp cứu bệnh nhân theo phương thức là một ca dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp phẫu thuật khẩn, các bác sĩ được quyền xử lý như một ca bệnh COVID-19… 

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng, tính đến ngày 6/6/2021, TPHCM có 426 trường hợp người bệnh COVID-19 hiện đang được cách ly điều trị tại BV Dã chiến H.Củ Chi, BV Điều trị COVID-19 H.Cần Giờ, BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi Đồng TPHCM, trong đó có năm bệnh nhân đang diễn tiến nặng với hai người phải chạy ECMO.

TPHCM có 159 điểm phong tỏa, cách ly giám sát dịch, năm phòng khám đa khoa ngưng tiếp nhận người bệnh đến khám chữa bệnh, hai BV tạm thời phong tỏa toàn BV, một BV tạm thời phong tỏa một phần khoa khám bệnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo Phạm An/PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)