Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc viện đó ở bẩn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Quá tải do bệnh nhân bị nhẹ cũng nằm viện

Sáng 27/10, giải trình tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề cập vấn đề chất lượng khám chữa bệnh, y tế cơ sở.

Theo Bộ trưởng Tiến, với nỗ lực toàn ngành, lĩnh vực này vừa qua đã được cải thiện rõ nét và đích cuối cùng là chỉ số hài lòng về dịch vụ. Theo đánh giá của UNDP, chỉ số hài lòng về dịch vụ hiện là 70% và một khảo sát độc lập khác cho thấy, tỷ lệ hài lòng bệnh nhân nội trú là 80%.

Giải pháp được Bộ trưởng Y tế đề cập gồm: ứng dụng tiến bộ khoa học trong khám, chữa bệnh; ban hành 83 tiêu chí về chất lượng bệnh viện (BV) theo kết quả chấm điểm độc lập để tiến tới công khai; xây dựng BV mới ở tuyến tỉnh, trung ương, huyện…

"Các BV rộng rãi, ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, có bộ phận tiếp dân, đường dây nóng và phải đảm bảo nhà vệ sinh, khu rửa tay sạch sẽ. Những chi tiết nhỏ nhưng lại quyết định chất lượng. BV nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc viện đó ở bẩn. Khoa nào không có nước rửa tay là trưởng khoa đó ở bẩn", bà Tiến nói.

Benh vien nao nha ve sinh ban la giam doc vien do o ban
Bộ trưởng Tiến cho rằng, người dân chưa tin tưởng vào y tế tuyến cơ sở là một trong những nguyên nhân dẫn tới quá tải

Liên quan tới những khó khăn của ngành, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh về tình trạng quá tải tại các BV trung ương, tuyến cuối, có những BV có tới 5.000-6.000 người. Một trong những nguyên nhân mà Bộ trưởng đưa ra là người dân bị nhẹ cũng vào khám bệnh, không tin tưởng tuyến cơ sở.

“Điển hình như vụ chân tay miệng vừa qua, bệnh nhân mắc độ 1, độ 2 cũng vào viện mà không nằm nhà điều trị dẫn tới quá tải không cần thiết, gây nhiễm trùng chéo, tăng nguy cơ tử vong với các ca nặng…”, Bộ trưởng Tiến nói.

Bên cạnh đó, vẫn còn hạn chế về nhân lực, chất lượng, số lượng y bác sĩ chưa đảm bảo. Mô hình đào tạo hiện nay của ngành y tế chưa chuẩn theo quốc tế.

Giảm bệnh nhân ra nước ngoài khám chữa bệnh

Để khắc phục những tồn tại này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ sử dụng giải pháp “kiềng ba chân”. Theo đó, chân bên trái là phải xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi còn khỏe mạnh, từ nâng cao sức khỏe, tới dự phòng, phát hiện sớm khi không bị bệnh…

Kiềng thứ hai – chân bên phải, khi bị bệnh, bệnh nhân phải vào BV, phải chăm sóc một cách chu đáo, toàn diện, chất lượng và giảm thời gian nằm viện, lây chéo, tăng thời gian điều trị ban ngày.

Đặc biệt, Bộ trưởng Tiến cho biết sẽ “giảm bệnh nhân ra ra nước ngoài khám chữa bệnh”. Tới đây, Bộ Y tế sẽ khánh thành hàng loạt cơ sở khám chữa bệnh hiện đại theo thiết kế nước ngoài và đội ngũ cán bộ cao cấp, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài để những người thu nhập cao thay vì ra nước ngoài khám, kiểm tra sức khỏe có thể khám và điều trị tại Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn một ngày không xa, những người nước ngoài công tác tại Việt Nam và người Việt Nam không phải ra nước ngoài. Cái đó nằm trong tầm tay của nền y tế Việt Nam nhưng cần những chính sách đồng bộ, đặc biệt là về tài chính”.

Bộ Y tế cho biết sẽ có những chuyên đề báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho cơ chế đổi mới tài chính đổi mới toàn diện trong thời gian tới.

Chân thứ ba để đảm bảo kiềng ba chân vững chắc, theo Bộ trưởng Tiến, không thể không có được đó là nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng.

“Về nhân lực, xin Quốc hội sắp tới thông qua Luật Giáo dục đại học, đề nghị có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế. 6 năm ra trường, phải học thêm 1 năm thực hành, thi toàn quốc lấy chứng chỉ hành nghề với đánh giá của hội đồng giáo dục quốc gia độc lập. Sau đó học chuyên khoa 2- 3 năm mới được hành nghề. Như vậy mới đảm bảo được chất lượng và theo mô hình quốc tế”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Minh Quang/ PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)