Hiện nay tại các bệnh viện (BV) chuyên khoa ở TP.HCM không chỉ chịu áp lực quá tải mà còn phải gánh chịu hàng trăm hệ lụy khác. Hành lang biến thành phòng ngủ, phòng ăn; khuôn viên biến thành chợ; còn căn tin thì… “miễn bàn” về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)…
Căn tin: Ăn một lần rồi… thôi!
Để phục vụ nhu cầu ăn uống của bệnh nhân và thân nhân người bệnh, thậm chí là cả các y bác sĩ, nhân viên của BV nên tất cả các BV đều có căn tin. Song điều đáng nói ở đây là do độc quyền về kinh doanh nên các ông chủ, bà chủ căn tin trong các BV tha hồ “làm mưa, làm gió”. Giá cả thì trên trời mà chất lượng thì… ăn một lần rồi thôi.
Khoảng 9 giờ ngày 10-7, tôi có mặt tại căn tin BV Mắt TP.HCM. Nếu đứng ở bên ngoài nhìn vào thì trông cũng có vẻ sạch sẽ và lịch sự. Vừa thấy tôi bước vào, một nhân viên chặn lại và hỏi: “Chị mua phiếu chưa?”. Tôi ngơ ngác hỏi lại: “Phải mua phiếu à? Ăn xong trả tiền cũng được chứ sao?”. Anh này nhìn tôi như nhìn người từ trên trời rớt xuống, trả lời như gắt: “Cả ngàn người ăn, nếu không lấy tiền trước, lát nữa ăn xong chị không trả chúng tôi biết ở đâu mà đòi…”. Thế là tôi phải bỏ ra 16.000đ để mua một cái phiếu cho món phở bò. Tôi cầm cái phiếu đi vào trong đưa cho một chị nhân viên rồi tìm bàn ngồi, một lát sau chị này bê ra một tô phở. Phở ít, thịt lại càng ít, chỉ có nước lèo là nhiều nhưng “nhạt như nước ốc”. Sờ vào đũa và muỗng thì cái nào cái nấy nhầy nhầy mỡ…
Ăn xong tôi định đi ra phía nhà bếp xem “hậu cung” của cái căn tin này như thế nào, thì ngay lập tức có tiếng quát: “Cô đi đâu?”. Tôi cười như mếu: “Dạ, tôi muốn rửa tay”. Người đàn ông vừa quát tôi chỉ ra bên ngoài: “Nước ở kia, ra đó mà rửa”.
Trưa ngày 11-7, tôi tới căn tin BV Gia Định, đang là giờ ăn trưa nên khá đông khách. Trước khi được đặt chân vào căn tin, tôi cũng phải qua “một cửa” – mua phiếu ăn. Tôi mua một suất cơm thịt kho tiêu với giá 15.000đ. Loay hoay mãi tôi mới tìm được một chỗ để ngồi. Tôi ngồi chung với hai người bệnh, sở dĩ tôi nói vậy là vì họ mặc quần áo bệnh nhân. Một người bệnh vừa uể oải nhai từng miếng cơm vừa nói với tôi: “Cô khỏe sao không ra ngoài ăn, vừa ngon, vừa rẻ. Chúng tôi bệnh, không đi xa được nên đành phải ăn ở căn tin. Cơm thì hôm khô cứng, hôm nhão, thức ăn thì nguội ngắt, đã thế lại còn bán mắc”.
Còn tại căn tin BV ĐH Y dược, lân la làm quen với một nhân viên phục vụ ở đây tôi được biết có tới 90% nhân viên chưa qua một buổi tập huấn hay khóa đào tạo nào về VSATTP. Thế nhưng mỗi ngày họ vẫn vô tư phục vụ việc ăn uống của hàng ngàn người bệnh. Cô nhân viên này còn “tiết lộ”, sở dĩ bà chủ của cô trúng thầu căn tin là do có mối quan hệ “thân tình” với một số người có chức có quyền ở BV. Vì vậy hàng tháng, ngoài việc trả tiền cho BV, bà chủ này còn phải trả tiền “cà phê” cho một số vị. Và qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tình trạng này không chỉ diễn ra ở căn tin BV ĐH Y dược mà hầu hết các căn tin trong BV đều như vậy…
Nhận xét về vấn đề VSATTP tại các căn tin trong BV, bác sĩ Phạm Kim Bình, Phó chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho rằng, qua kiểm tra một số căn tin tại các BV cho thấy 100% căn tin vi phạm các quy định về VSATTP.
Hành lang hay…phòng ngủ?
Trung bình mỗi ngày BV Nhi đồng I tiếp nhận khoảng 4.500 – 5.000 bệnh nhi đến khám và điều trị. Cứ mỗi một bệnh nhi đến khám và điều trị lại có từ một đến hai, thậm chí là ba, bốn thân nhân đi kèm. Theo đó mỗi ngày BV phải “cõng” khoảng 12.000 – 20.000 người, họ đứng ngồi và nằm la liệt. Đi đến phòng, khoa nào cũng thấy người và người… Khoảng 10 giờ ngày 14-7, tại cầu thang lên xuống và hành lang khoa Nhiễm chật cứng thân nhân bệnh nhi. Kẻ thì trải chiếu nằm, người thì kê dép ngồi, người đứng. Họ ngủ, họ ăn và nói cười như một cái chợ. Bà Thu ở Long An kể: “Thằng cháu nội của tôi bị bệnh tay chân miệng nhập viện bốn ngày nay rồi. Hai ngày đầu chỉ có cha mẹ cháu, chiều hôm qua tôi rủ bà xui lên…”. Khi tôi hỏi: “Buổi tối mọi người ngủ ở đâu?”, “Thì ngủ ngoài hành lang chứ ở đâu”, bà Thu hồn nhiên trả lời.
Khoa Nhiễm BV Nhi đồng II cũng vậy. Những ngày này số bệnh nhi sốt xuất huyết tăng vọt không chỉ khiến các giường bệnh quá tải mà ngay cả hành lang, nhà vệ sinh của khoa cũng quá tải. Trong nhà vệ sinh, thân nhân các bệnh nhi chen nhau tắm rửa, giặt đồ. Ở ngoài hành lang, họ giành nhau từng milimét để trải chiếu, kê ghế bố… Đôi khi họ trải chiếu hết cả hành lang khiến cho các y, bác sĩ không còn chỗ mà đi. Mặc dù giành nhau từng milimét hành lang như vậy nhưng khi thấy tôi giơ máy lên chụp hình là họ sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”.
Ở hành lang khu vực hành chính BV Từ Dũ, dù là trước cửa ra vào phòng giám đốc nhưng chúng tôi vẫn bắt gặp một vài bệnh nhân trải chiếu nằm ngủ ngon lành. Khi y tá nói: “Các anh không được nằm ở đây”, họ lồm cồm ngồi dậy và thanh minh: “Ở trong kia hết chỗ rồi…”.
Ngày 14-7, có mặt tại BV Da liễu, tôi ngỡ ngàng khi phát hiện một góc của BV biến thành… chợ. Ở đó, bệnh nhân, thân nhân người bệnh có thể mua được quần áo, dầu gội, nước rửa chén bát, rồi trái cây, bánh kẹo, nước uống. Qua quan sát, tôi nhận thấy hầu hết hàng hóa ở đây đều là hàng… kém chất luợng. Thế nhưng khi tôi hỏi giá một bồ đồ lửng mặc ở nhà bằng vải thun, chị bán hàng “hét” 120.000đ. Bộ này nếu ra chợ Bà Chiểu mua, chắc chắn sẽ không quá 60.000đ. Tôi nói mắc quá, chị ta bảo: “Em cứ trả đi, được giá chị bán liền”. Tôi trả liều 50.000đ, chị ta cười mỉa rồi vẫy tay: “Em đi chỗ khác cho chị bán hàng”… Tôi không biết cái chợ này được bao nhiêu tuổi rồi nhưng tôi thấy các y tá, hộ lý của BV có vẻ rất thân thiện với mấy người bán hàng. Tôi còn nhìn thấy một hộ lý ngồi “tám” với mấy chị bán hàng cả tiếng đồng hồ. Còn lãnh đạo của BV thì sao, liệu họ có biết được sự tồn tại của cái chợ này?
Nói về giá giữ xe trong các BV, có lẽ bức xúc nhất vẫn là những người đã ít nhất một lần gửi xe tại BV Nhi đồng II. Vé xe ghi 2.000đ/lượt nhưng khi khách đưa 2.000đ, nhân viên đòi thêm 1.000đ nữa. Thấy vậy tôi thắc mắc: “Vé ghi 2.000đ, sao lại lấy 3.000đ”, anh này trả lời: “Vé này in lâu rồi”. Tôi “nín” luôn. Còn tại bãi giữ xe của BV Tai mũi họng, giá trong vé và trên bảng đều ghi 1.000đ/lượt, nhưng khách vẫn cứ phải trả 2.000đ. Hơn 2 giờ chiều 16-7, một bác khoảng 60 tuổi đưa vé xe cùng tờ 10.000đ cho anh nhân viên bãi giữ xe và kiêm luôn bảo vệ BV. Anh ta thối lại 8.000đ, bác này hỏi lại: “9.000đ chứ sao lại 8.000đ”, anh nhân viên cộc cằn trả lời: “Lần sau đem xe chỗ khác mà gửi”. Bác bực mình nói: “Nếu muốn lấy 2.000đ thì cứ ghi lên vé và bảng giá là 2.000đ chứ tại sao ghi một đằng lấy giá một nẻo vậy. Tôi sẽ báo cáo sự việc với giám đốc BV…”.
Nếp sống văn minh đô thị đã và đang được thành phố triển khai ở khắp nơi từ nhà trường, công sở, khu dân cư, còn BV thì sao? Phải chăng, BV là ngoại lệ?
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)