Từ tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm giao mùa, thuận lợi để các bệnh liên quan tới đường hô hấp bùng phát, nhất là ở trẻ nhỏ. Những ngày này các bệnh viện (BV) nhi trên địa bàn TP.HCM đều quá tải do số trẻ mắc bệnh hô hấp tăng mạnh…
BS.CKI Lê Thị Thanh Thảo – Phó khoa Hô hấp 1 BV Nhi đồng 2 – khám cho một bệnh nhi hô hấp
Bệnh nhi điều trị nội trú tăng 30%
Hiện Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 đang điều trị cho 252 bệnh nhi. Đây là những ca bệnh nặng, trong đó tỷ lệ nằm cấp cứu chiếm khoảng 10%.
Một trong số những bệnh nhi nặng là bé B.A (20 tháng tuổi, tỉnh Bình Dương). Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ho có đàm, suy hô hấp. Sau khám, bệnh nhi được BS cho thở ôxy kết hợp điều trị kháng sinh. Hiện sức khỏe bé A. đã ổn định nhưng vẫn phải nằm trong phòng cấp cứu để theo dõi và điều trị.
Trước đó, bé A. bị ho khan, thở mệt, sốt cao 41 độ C nên gia đình đưa vào BV ở Bình Dương điều trị nhưng không thuyên giảm. Bé vẫn sốt cao, ho có đàm xanh, ói ra máu, thở mệt nên gia đình chuyển lên BV Nhi đồng 2.
BS.CKI Lê Thị Thanh Thảo – Phó khoa Hô hấp 1 BV Nhi đồng 2 – cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, trẻ được gia đình đưa đến khám và nhập viện điều trị bệnh hô hấp tăng so với tháng 7, tháng 8 khoảng 30%. Các tháng trước khoảng 180 ca điều trị thì hiện nay khoảng 250 ca trở lên.
“Số ca nhập viện tăng, khoa hô hấp chỉ có 217 giường nên có một số giường bệnh nhi phải nằm ghép đôi. Dự kiến, nếu bệnh nhi quá đông, một số khoa như tim mạch, thần kinh, tiêu hóa sẽ “san sẻ” những bệnh nhi nhẹ để tránh quá tải”, BS Thảo cho hay.
Tại BV Nhi đồng 1, số trẻ mắc bệnh hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm phổi… cũng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn những tháng trước đó. Thống kê từ Phòng Kế hoạch tổng hợp của BV cho thấy, từ đầu tháng 8 đến ngày 25-9, có 61.100 ca điều trị ngoại trú và 2.165 ca điều trị nội trú bệnh hô hấp.
Đừng chủ quan khi trẻ sốt 2 ngày liên tục
Theo các BS, từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa của bệnh hô hấp. Theo đó tỷ lệ trẻ đến khám, nhập viện điều trị bệnh hô hấp tăng đột biến, nhất là bệnh hen suyễn.
Đa số trẻ bị hen suyễn khởi phát do siêu vi hô hấp. Khi trẻ ho, chảy nước mũi, nhiễm trùng hô hấp trên, nhiễm siêu vi hô hấp thì cơn hen rất dễ bị kích hoạt. Trường hợp trẻ trước đó chưa bị hen suyễn lần nào cũng có thể bị những cơn hen đầu tiên và tỷ lệ tăng khá nhiều. Do đó, “nếu trẻ điều trị bệnh hô hấp đã 2 ngày nhưng vẫn không giảm sốt, còn khó thở, thở nhanh, lừ đừ, bỏ ăn thì phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời”, BS Thảo khuyến cáo.
Trước tình trạng một số phụ huynh lo lắng trẻ mắc virus Adeno sẽ gặp nguy hiểm, BS.CKI Lê Thị Thanh Thảo – Phó khoa Hô hấp 1 BV Nhi đồng 2 – cho biết, bệnh lây lan nhiều nhưng là loại siêu vi hô hấp, đây không phải là bệnh mới nên người dân không nên quá lo lắng. Điều quan trọng vẫn là các biện pháp dự phòng cơ bản như dự phòng Covid-19 sẽ giảm được sự lây lan của bệnh. “Adeno không phải là virus mới nhưng thời gian gần đây xét nghiệm cho thấy khá nhiều. Đường lây cũng giống các siêu vi hô hấp khác là qua giọt bắn, dịch tiết, tiếp xúc. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa số bị nhẹ như viêm hô hấp trên, viêm họng, kèm theo viêm kết mạc, mắt chảy ghèn. Mặt khác, so với tỷ lệ nhiễm thì tỷ lệ trẻ viêm phổi, viêm phế quản do Adeno nặng không nhiều. Hiện nay Bộ Y tế đã có công văn giám sát các trường hợp viêm phổi nặng do siêu vi, đặc biệt là Adeno, cúm. Theo đó các BV đều đã triển khai tầm soát nguyên nhân và thống kê các ca bệnh”, BS Thảo nói. |
Theo BS Thảo, việc chăm sóc trẻ bị bệnh hô hấp tại nhà cũng rất quan trọng; trẻ cần được uống thuốc đúng, đủ liều theo toa thuốc của BS. Bệnh hô hấp sẽ khiến trẻ ho có đàm, tắc mũi, hoặc viêm kết mạc, mắt chảy gèn. Do đó cần cho trẻ uống đủ nước để đàm loãng ra, tránh bị đặc khiến trẻ ho, khó thở, mệt mỏi và nguy cơ bội nhiễm. Đồng thời vệ sinh thông thoáng mũi bằng nước muối sinh lý qua dụng cụ nhỏ, hút để giúp trẻ dễ chịu hơn.
Ngoài cho trẻ uống đủ nước cũng cần chú ý chế độ dinh dưỡng. Cho trẻ ăn đầy đủ các chất, thức ăn dễ tiêu và chia thành nhiều cữ nhỏ để trẻ dễ ăn, tránh ói, dễ hấp thụ.
Để phòng bệnh hô hấp cho trẻ, người lớn nên hạn chế cho con đến những nơi đông người; cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài; vệ sinh tay sạch sẽ. Và quan trọng hơn là cho trẻ chích ngừa đầy đủ theo lịch, đặc biệt là bệnh cúm – Nên tiêm nhắc lại mỗi năm cho trẻ thì hiệu quả dự phòng sẽ cao hơn.
Linh Anh
Bình luận (0)