Y tế - Văn hóa

Bệnh viện Thống Nhất áp dụng kỹ thuật mới cứu bệnh nhân tắc động mạch chủ

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 25-9, Bệnh viện Thống Nhất thông tin đã can thiệp thành công 2 bệnh nhân tuổi cao, bị tắc động mạch chủ nặng bằng phương pháp kỹ thuật mới ít xâm lấn, mang lại hiệu quả tốt cho bệnh nhân.

Kỹ thuật mới mang đến hiệu quả an toàn từ 90% đến 95%

Bệnh viện Thống Nhất thông tin, 2 bệnh nhân được can thiệp thành công đều là những người cao tuổi, có bệnh lý nặng và nguy hiểm.

Bệnh nhân thứ nhất N.V.T. (nam, 60 tuổi). Bệnh nhân nhập viện vì đau, tê vùng đùi, cẳng bàn chân hai bên 2 năm nay. Tình trạng đau và tê chân tăng dần cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Bệnh nhân được chẩn đoán bị hẹp tắc động mạch chủ bụng và chậu hai bên.

Bệnh nhân thứ hai N.V.B. (nam, 70 tuổi). Nhập viện vì đau và tê vùng mông, đùi 2 bên nhiều tháng nay. Bệnh nhân cho biết đã đi khám phòng khám ngoài và uống thuốc theo đơn nhưng không giảm. Sau khi chụp CT, Bệnh viện Thống Nhất cho biết bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch chủ bụng đoạn dưới động mạch thận, kéo dài đến động mạch chậu ngoài hai bên.

TS.BS Nguyễn Duy Tân kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sau khi thực hiện can thiệp động mạch chủ

TS.BS Nguyễn Duy Tân, phụ trách Khoa Ngoại tim mạch, lồng ngực cho biết: “Hai bệnh nhân đều được lên lịch chụp và can thiệp nội mạch bằng phương pháp tái tạo phân nhánh chủ chậu bằng stent phủ. Phương pháp vô cảm là tê tại chỗ. Sau can thiệp, cả hai bệnh nhân được ngồi dậy và sinh hoạt bình thường sau can thiệp 6 giờ. Bệnh nhân bớt đau chân”.

Bác sĩ Tân nhấn mạnh, việc sử dụng kỹ thuật mới đã giúp cho bệnh nhân có thể hồi phục nhanh so với phương pháp mổ mở trước đây. Đây là phương pháp can thiệp nhẹ nhàng, với mức độ an toàn từ 90% đến 95%. Đồng thời, sau khi thực hiện can thiệp, trên người bệnh nhân không để lại vết mổ.

Trên 50% người cao tuổi mắc các bệnh lý về mạch máu

Nguy cơ bệnh lý mạch máu ở người cao tuổi và người trẻ

Bác sĩ Tân cho biết, các bệnh lý về mạch máu có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đối với bệnh tắc động mạch chủ, bệnh này sẽ gây ra tình trạng thiếu máu. Nếu để lâu có thể gây ra nhiễm độc, nhiễm trùng, hoại tử chi. Người bệnh có thể bị cắt chân, tháo khớp háng, nặng hơn nữa là nhiễm trùng, độc có thể dẫn đến tử vong do suy đa cơ quan.

Bệnh lý thứ 2 người cao tuổi thường gặp đó là hội chứng động mạch chủ cấp tính. Đây là một thuật ngữ mô tả các tình trạng khẩn cấp, bao gồm bóc tách động mạch chủ, máu tụ trong thành động mạch và loét động mạch chủ xuyên thấu. Đặc biệt với người cao tuổi khi bị xơ vữa động mạch, có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất phẫu thuật cho bệnh nhân bị tắc động mạch chủ. Ảnh: BVCC

TS.BS Nguyễn Duy Tân thông tin, mặc dù chưa có khảo sát cụ thể, nhưng khoảng trên 50% người cao tuổi có thể mắc các bệnh lý về mạch máu. Đồng thời, bác sĩ Tân nhấn mạnh, biểu hiện khi bị các bệnh lý mạch máu thường bị nhầm với các bệnh về xương, khớp đó là tê mỏi, đau. Vì thế, người dân nên lưu ý nếu có các biểu hiện trên, cần đi khám sớm để có hướng điều trị tốt nhất.

Cùng vấn đề, bác sĩ Tân thông tin, ngày nay, không chỉ người già, mà ở người trẻ cũng có khả năng mắc các bệnh lý về mạch máu. Với các bạn trẻ thường xuyên bị stress cũng có thể bị xơ, vữa mạch máu. Đặc biệt, hút thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây ra bệnh lý trên.

Để tránh mắc các bệnh lý về mạch máu, bác sĩ Tân khuyên người dân cần phải kiểm soát chế độ ăn uống, ăn nhiều rau củ quả, giảm lượng tinh bột, đạm. Kiểm soát được lượng mỡ trong máu, đường huyết trong máu. Cùng với đó, phải tập thể dục thể thao.

Đồng thời, khuyến cáo người dân cần cập nhật thêm thông tin các bệnh lý về mạch máu, không nên chủ quan, nếu có biểu hiện cần phải đi khám để được điều trị kịp thời.

Thủy Phạm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)