Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Bệnh vô cảm xuất phát từ khủng hoảng niềm tin cuộc sống”

Tạp Chí Giáo Dục

Cướp lộng hành giữa phố, kẻ nghĩa hiệp ra tay giúp nạn nhân lại bị đâm chết, nhiều người sợ hãi đến vô cảm. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh nhìn nhận "dường như đang có một cuộc khủng hoảng niềm tin trong xã hội hiện đại".

So sánh sự giống và khác nhau của xã hội Việt Nam xưa và nay, bà Minh (giảng viên Học viện hành chính TP HCM) cho rằng, thời nào cũng có sự hiện diện của cái thiện và cái ác, người tốt và kẻ xấu. Tuy nhiên nó khác nhau về mức độ và sự thể hiện ở từng thời điểm.
Trước đây con người sống trong môi trường làng xã nên mối quan hệ chặt chẽ hơn, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Vì thế mỗi khi xảy ra chuyện gì thì mọi người xung quanh xúm vào giúp đỡ. Chính sự đoàn kết này một phần giúp con người có thêm sức mạnh để khống chế và xua đuổi kẻ ác, một phần khiến kẻ xấu sợ hãi không dám ra tay.
Còn ngày nay khi tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, lối sống theo kiểu "đèn nhà ai nấy sáng", hàng xóm sát vách cũng không biết mặt nhau; đi cùng với nó là sự phân hóa giàu nghèo, sự lên ngôi của chủ nghĩa vật chất, tính vị kỷ, khiến mọi người chỉ chăm chăm lo cho hạnh phúc của bản thân hoặc gia đình mình.
Vì thế đến khi có kẻ gặp nạn, người ta do vô tình không để ý hoặc cố tình thờ ơ cho rằng đó không phải là việc của mình. Và ngược lại đến khi bản thân họ gặp chuyện cũng chẳng có ai giúp. Đó là hệ lụy tất yếu về mặt tâm lý – theo phân tích của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh.
"Benh vo cam xuat phat tu khung hoang niem tin cuoc song"
Đô thị đất chật người đông "Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều", trong khi lực lượng an ninh không đủ để có mặt kịp thời khi xảy ra sự cố. Ảnh: Thi Ngoan
Thêm vào đó, trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay, kẻ xấu ngày càng hung hãn và ngang ngược vì có trong tay vũ khí, khiến mọi người (cả nạn nhân và người ra tay giúp đỡ) không thể lường trước hậu họa. Trước tình cảnh đó, con người cá nhân thời nay rơi vào trạng thái co cụm và lo sợ.
"Đó là chưa kể xã hội bây giờ quá phức tạp, lừa phỉnh rất nhiều, do đó mọi người chọn cách phòng thủ, tốt nhất là không dây dưa vào chuyện người khác để khỏi chuốc họa vào thân. Đơn giản, đó là sự phòng vệ", bà Minh nói.
Xét về yếu tố tâm lý xã hội, bà Minh cho rằng đang có sự thay đổi lớn trong hệ thống giá trị sống của con người qua các thời đại. Ngày xưa con người sống trọng "nghĩa" hơn, tức là luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, sẵn sàng xả thân vì cái thiện dù đó là việc của gia đình, đồng loại hay của đất nước. Vì thế mà ở thời ông cha ta những giá trị cốt lõi của tình nghĩa gia đình, thầy trò, tình yêu quê hương đất nước luôn được đặt lên cái tôi cá nhân.
Trong khi đó con người ngày nay trọng "tình" hơn, tức là thiên về mặt cảm xúc cảm tính và bản năng nhiều hơn. Theo bà Minh, không thể phủ nhận tầm quan trọng của tình yêu trong đời sống, song do nó thiên về cảm xúc nên có mặt tiêu cực là sự mù quáng, bởi người ta chỉ dành sự ưu ái cho người mình yêu thương như trong câu "thương nhau củ ấu cũng tròn". Chính sự thế mà con người hiện đại chỉ quan tâm đến người "của mình" và cho phép bản thân bỏ qua các mối quan hệ "ngoài luồng".
"Cái "tình" vẫn mong manh dễ vỡ. Vì thế khi mà tình yêu tan vỡ thì con người hiện đại trở nên nhạy cảm thái quá và dễ bị tổn thương. Thậm chí nhiều bạn trẻ không đủ bản lĩnh đối mặt với nỗi đau thất tình nên tự tử và tỷ lệ này đang ngày càng tăng", bà Minh nhận định.
"Benh vo cam xuat phat tu khung hoang niem tin cuoc song"
Khảo sát của TS về thái độ khi chứng kiến học sinh đánh nhau, chỉ có 24,8% ý kiến trên tổng cộng gần 17.300 độc giả tham gia, đã chọn phương án can ngăn, gần 33% cho biết sẽ báo cho cơ quan chức năng, trong khi hơn 23% bỏ đi coi như không biết.
Xét khía cạnh khác, Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng, thường ở chốn thị thành mức sống cao, người dân luôn nghĩ đó là nơi mà sự quản lý nhà nước chặt chẽ nhất nên họ tin và đặt sự an nguy của mình vào tay lực lượng an ninh. Song thực tế khi xảy ra tai nạn, vì một lý do nào đó mà lực lượng này chưa kịp thời có mặt để phong tỏa hiện trường, dẫn đến tình trạng hỗn loạn, kẻ cơ hội thì xông vào hôi của, người tốt giúp đỡ nạn nhân có khi lại mang họa vào thân…
"Những vụ tham nhũng, hối lộ, tiêu cực của một phận quan chức nơi này nơi kia cũng khiến người dân càng mất lòng tin vào cộng đồng. Rồi ngay cả trong ngành giáo dục cũng có những tiêu cực học giả, bằng giả, tiến sĩ giấy… nên người dân không còn biết đặt niềm tin vào đâu", bà Thúy nói.
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định mối quan hệ giữa sự vô cảm với độ tuổi hay văn hóa vùng miền. Tuy nhiên, trên thực tế những người ra tay nghĩa hiệp thường thuộc tầng lớp bình dân, ở độ tuổi 30- 40 trở lên. Các nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng, những hành động mang tính nhân văn này thường gắn liền với kinh nghiệm sống, kỹ năng xử lý tình huống, cộng với sự từng trải và đồng cảm. Rất có thể họ đã từng bị mất mát người thân trong những trường hợp tương tự nên ra tay giúp đỡ mà không nề hà, do dự.
Mặc dù vậy, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh khuyên thái độ lạc quan hay bi quan thái quá đều đem lại kết cục không tốt. Điều quan trọng mọi người cần ý thức rằng, ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, kẻ nghĩa hiệp, người lãnh đạm, vì thế mà mỗi người cần chung tay nhân cái tốt dẹp cái xấu để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Trên thực tế, vẫn có những hiệp sĩ hy sinh giúp dân bắt cướp, những người tốt bụng sẵn sàng cứu đồng loại trong hoạn nạn. Hoặc ở một số nơi trong thành phố, người dân vẫn đùm bọc giúp đỡ nhau và giữ được an ninh tốt trong địa bàn sinh sống của họ.
Vì thế để chế ngự cái xấu, phát huy nhân tố tích cực trong xã hội, Thạc sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng, một mặt Nhà nước cần can thiệp để nâng cao năng lực đảm bảo trật tự an toàn xã hội của lực lượng công an, cảnh sát. Bên cạnh đó toàn xã hội cần siết chặt đấu tranh chống tệ tham nhũng, các cán bộ cần đi đầu làm gương mới mong tạo được niềm tin trong dân chúng.
Nhắc lại tầm quan trọng của "tam giác" 3 môi trường làm nên nhân cách của một con người là gia đình – nhà trường – xã hội, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh cho rằng, cần có một cuộc "đại phẫu" trong lĩnh vực giáo dục. Công tác đào tạo bên cạnh dạy kiến thức khoa học thì cũng cần phải đề cao những giá trị đạo đức, tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình yêu thiên nhiên, tình đồng loại, cũng như trang bị cho lớp trẻ những kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống…
"Trước tiên người lớn cần phải làm gương sáng cho trẻ. Nếu cha mẹ, thầy cô cũng vô cảm thì đừng mong giáo dục được thế hệ trẻ có ý thức hay giàu lòng nhân ái. Còn bản thân người trẻ hãy tự ý thức việc trang bị những kỹ năng sống là của mình chứ đừng chỉ ngồi chờ sự ban phát từ người khác", bà Minh đúc kết.
Theo Thi Ngoan
(VnExpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)