Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bệnh yêu, ghét cảm tính

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyện hôi của, chuyện thờ ơ, vô cảm, chuyện ghen ăn, tức ở… đã được báo chí đăng tải và lên án. Thông qua đó mà nhiều người Việt hiểu thêm được những thói hư, tật xấu rồi tự mình mà xét lại, đồng thời còn có tác dụng tuyên truyền đến cộng đồng xã hội, từ đó loại trừ dần những nét xấu và phát triển cái tốt, cái hay. Nét xấu của người Việt, chúng ta thường nói là “thói” hay “tật”, nét xấu đó đã trở thành tính cách của không ít người, thậm chí còn trở thành thói quen, lối sống ở một nhóm người, một địa phương… Do đó, thay đổi và loại trừ thói hư, tật xấu này không phải dễ dàng mà đòi hỏi thời gian cũng như ý thức của cả cộng đồng.

Ở đây, tôi chỉ muốn nói về sự yêu, ghét của người Việt cũng đã trở thành thói và tật ở không ít người. Có nhận định của người nước ngoài cho rằng: Người Việt trọng tình nghĩa, tính cố kết cộng đồng cao. Nhưng ở một số người Việt lại bộc lộ tâm lý, đó là: Họ sẵn sàng cảm thông và chia sẻ với những người nghèo khổ, thấp kém hơn mình; còn đối với những người xung quanh giàu có và địa vị cao hơn thì họ tỏ ra ghen ghét và tìm mọi cách nói xấu, chê bai. Nhận định này phần nào cũng có lý. Đúng là hiện nay một số người Việt hay có thói quen như vậy.

Rồi tâm lý “yêu nên tốt, ghét nên xấu” cũng vậy. Chính sự “duy tình” thái quá lại dẫn đến cảm tính, sự nhận định, đánh giá thiếu tính khách quan, chỉ dựa vào những dấu hiệu bề ngoài, hời hợt, thiếu chiều sâu. Tâm lý khi thích ai đó dù xấu cũng cho là tốt, sai cũng cho thành đúng…; thói quen ngồi lê, mách lẻo, lấy chuyện làm quà dẫn đến sự a dua, vơ đũa cả nắm, không phân định rõ đúng sai, phải trái.

Yêu và ghét là thái độ của mọi người nhưng mỗi người chúng ta cũng nên nhìn lại để làm sao sống cho đúng lý, đúng tình, phân biệt rõ đúng sai.

BT

Bình luận (0)