Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Béo bở thị trường thanh toán

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi các ngân hàng trong nước tập trung vào việc tăng phí thì thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, lĩnh vực được đánh giá hết sức "béo bở" lại rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Mua ly cà phê 25.000 đồng bằng ví điện tử /// Ảnh: Ngọc Dương
Mua ly cà phê 25.000 đồng bằng ví điện tử. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Bùng nổ ví điện tử
Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng
NHNN vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án đẩy mạnh thanh toán qua NH đối với các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Theo đó, triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức mới, hiện đại phục vụ thanh toán qua NH đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội; nghiên cứu xây dựng biện pháp trao đổi, chia sẻ thông tin phù hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với NH; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, DN trong việc triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán qua NH đối với dịch vụ công…

Theo kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2020 thanh toán bằng tiền mặt chỉ còn khoảng 10% trong tổng lượng thanh toán.

Đó là lý do mấy năm gần đây nở rộ các hình thức thanh toán ví điện tử, ứng dụng công nghệ. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dùng có thể tải các ứng dụng về máy và thanh toán nhanh chóng hàng hóa, dịch vụ trong vòng vài giây, đó là ưu điểm của các ví điện tử. Hơn nữa, mức phí khi sử dụng ví điện tử thấp cũng là yếu tố thu hút nhiều người sử dụng. Điều này lý giải vì sao giá trị giao dịch qua ví điện tử tăng rất mạnh. Năm 2009 giá trị giao dịch qua ví điện tử mới đạt con số 5 tỉ đồng thì mức tăng trưởng vào năm 2016 đạt 53.109 tỉ đồng, và ngày càng có nhiều đơn vị tham gia.
Tuần qua, Tập đoàn Grab đã công bố triển khai thanh toán qua dịch vụ GrabPay Credits. Khách sẽ được giảm giá 30.000 đồng/chuyến qua hình thức thanh toán này. Như vậy, ngoài ứng dụng công nghệ đối với lĩnh vực vận chuyển, Grab bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực thanh toán, tài chính công nghệ tiếp cận người dân chưa có tài khoản hoặc chưa tiếp cận được với ngân hàng (NH) như tài xế và doanh nghiệp (DN) nhỏ.
"Ông lớn" MoMo cũng liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi đối với khách hàng thực hiện thanh toán tiền vé tàu, mua bảo hiểm, mua sắm… Chẳng hạn, khách hàng chuyển tiền từ tài khoản Vietcombank sang ví MoMo sẽ được nhận ngay 200.000 đồng. Các đơn vị ứng dụng công nghệ vào thanh toán lại đánh vào thị hiếu của người tiêu dùng. Chẳng hạn như trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, 2 ví điện tử ZaloPay (của Công ty VNG) và ví Appota (của Appota) đã triển khai chương trình lì xì qua ví điện tử thay vì đưa tiền mặt. Chỉ trong khoảng 1 tháng triển khai, ZaloPay đã đạt hơn 1,3 triệu lượt người gửi và nhận lì xì. Còn Appota thì lượt người tham gia mới tăng hơn 61% chỉ trong 18 ngày.
Hình thức thanh toán không tiếp xúc (người dùng sử dụng điện thoại quét qua các thiết bị thanh toán, hoặc thanh toán trực tiếp trên điện thoại) cũng phát triển rất nhanh. Tập đoàn Samsung triển khai dịch vụ Samsung Pay ở một số dòng điện thoại di động cao cấp để người dùng có thể thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng điện thoại thay vì dùng thẻ.
Theo ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Cộng đồng Việt (sở hữu thương hiệu Payoo), trước đây thanh toán bằng thẻ ngân hàng qua máy POS đã là một bước ngoặt lớn trong lĩnh vực thanh toán thì thanh toán bằng QR Code trên di động sẽ là xu hướng chính trong thời gian tới. Công nghệ QR Code được đánh giá giúp giảm mạnh chi phí phát triển hạ tầng thanh toán ở bất kỳ đâu nên sẽ nhanh chóng phát triển mạnh. Hiện có 27 DN đã được cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán như Payoo, MoMo, BankPlus, 1Pay, M-Pay, Vimo, BảoKim, ZaloPay, Ngân lượng, Mobivi…
Nước ngoài tham gia ngày càng nhiều
Đáng nói, sự gia tăng các đơn vị thanh toán có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều. Hầu hết các công ty trung gian thanh toán đã được cấp phép chính thức tại VN đều có dòng vốn ngoại. Chẳng hạn, Công ty cổ phần M_Service (đơn vị sở hữu Ví điện tử MoMo) trong năm 2016 đã ký kết nhận 2 khoản đầu tư từ Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs với tổng trị giá 28 triệu USD.
Công ty cổ phần thanh toán điện tử VNPT Epay có 65% vốn sở hữu thuộc quỹ đầu tư của Hàn Quốc (đây là cổng thanh toán có tham gia trong vụ án đánh bài qua mạng Ribvip mới bị triệt phá). Hay Tập đoàn NTT Data của Nhật đã mua 64% vốn của Payoo, công ty thanh toán điện tử lớn nhất Đông Nam Á. MOL Global của Malaysia đã sở hữu 50% cổ phần tại Cổng thanh toán Ngân lượng. Tương tự, 90% vốn của Công ty cổ phần 1Pay đã thuộc về tay Tập đoàn TrueMoney đến từ Thái Lan và đơn vị này cũng được Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc rót vốn đầu tư. Alipay (dịch vụ thanh toán thuộc Tập đoàn Alibaba đến từ Trung Quốc của tỉ phú Jack Ma sở hữu) cuối năm vừa qua đã chính thức ký hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia VN (NAPAS) để chuẩn bị cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử cho khách Trung Quốc vào VN. Các đơn vị như Bảo Kim, ZaloPay cũng đều có vốn đầu tư ngoại tham gia trong quá trình phát triển.
Theo ông Ngô Trung Lĩnh, về mặt công nghệ không có sự cách biệt quá nhiều nhưng DN nào trường vốn thì mới tồn tại được trên thị trường. Bởi hầu hết các DN trung gian thanh toán đều phải tiếp tục bỏ tiền ra để khuyến khích, tạo thói quen cho người dùng sử dụng dịch vụ vì thanh toán bằng tiền mặt tại VN vẫn chiếm đa số. “Cũng như lĩnh vực thương mại điện tử, các DN cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán vẫn phải chi ra nhiều tiền để khuyến mãi nhằm thu hút lượng người dùng. Song song đó là phát triển các điểm chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử, QR Code…”, ông Lĩnh nói.
Lỗ hổng chuyển tiền lậu
Sốt ruột trước sự “đổ bộ” của các DN nước ngoài vào lĩnh vực thanh toán, TS Bùi Quang Tín, chuyên gia lĩnh vực tài chính ngân hàng, phân tích con số 132 triệu thẻ mà các NH phát hành chưa thể hiện họ đã chiếm lĩnh thị trường thanh toán với dân số 90 triệu dân. Các NH trong nước vẫn đang loay hoay với việc thu phí, trong khi các công ty thanh toán mở các ví điện tử chấp nhận không thu phí hoặc thu ở mức thấp để tạo một hệ sinh thái lớn thu hút người dùng. "Họ có những toan tính khi chấp nhận lỗ trong thời gian đầu. Thử tính một khách hàng để trên ví điện tử 1 triệu đồng. Nếu DN có 1 triệu khách hàng thì số tiền mà DN có được lên cả 1.000 tỉ đồng. Một số vốn rất lớn mà họ có thể tận dụng thay vì chăm chăm thu phí. Lĩnh vực thanh toán đang cạnh tranh từng ngày, đặc biệt thương mại điện tử phát triển, nếu NH không thay đổi cách thức sẽ mất thị phần ngay chính sân nhà”, ông Tín nói.
Một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại, nếu các DN nước ngoài làm chủ gần như hoàn toàn thị trường này thì điều gì sẽ xảy ra chưa lường hết. Ngay tại thời điểm này, đã xuất hiện nhiều lỗ hổng mà chúng ta không kiểm soát được. Đơn cử trong vụ xử lý chặt chém khách mua hàng, cơ quan chức năng TP.Hạ Long (Quảng Ninh) phát hiện vụ chuyển 200.000 NDT (khoảng 700 triệu đồng) của khách hàng Trung Quốc thanh toán tiền mua hàng tại ki ốt Trung tâm du lịch Bãi Cháy qua hệ thống máy POS về Trung Quốc. 3 máy POS đặt tại đây được mang vào từ Trung Quốc và không đăng ký thanh toán qua hệ thống NH VN theo quy định. Vì vậy, việc thanh toán như thế này là chuyển tiền trái phép, có dấu hiệu trốn thuế nên có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hay trong đường dây đánh bạc ngàn tỉ đồng qua mạng Ribvip phát hiện vừa qua, Giám đốc điều hành Cổng thanh toán VNPT Epay Châu Nguyên Anh bị khởi tố. VNPT Epay có 2 cổ đông lớn là Tập đoàn UTC Investment của Hàn Quốc sở hữu 62,25% và VNPT sở hữu 35%. Phía Tập đoàn VNPT cho rằng không tham gia điều hành nên không biết việc vi phạm đó.
Theo ông Bùi Quang Tín, thị trường thanh toán quá béo bở thu hút các DN nước ngoài tham gia. Lĩnh vực này không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tại các công ty thanh toán. Do đó, việc thanh kiểm tra, giám sát với các cổng trung gian thanh toán là cực kỳ quan trọng để không xảy ra những câu chuyện tương tự VNPT Epay hay những vụ chuyển ngân lậu ra nước ngoài.
Khai thác mỏ vàng tỉ US
Theo thống kê của Statista, tổng doanh thu thanh toán di động trên toàn cầu năm 2017 đạt 780 tỉ USD, tăng 173% so với năm 2015, dự đoán con số này sẽ vượt 1.000 tỉ USD vào năm 2019.
Còn theo Gartner 2017, số lượng người dùng thanh toán di động trên toàn cầu năm 2016 đã tăng gấp 2 lần so với năm 2012, và dẫn đầu chính là khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại Trung Quốc, hiện có hơn 900 triệu người dùng các ứng dụng di động Alipay và WeChat Pay mỗi ngày để thanh toán các hóa đơn, mua hàng, hay thậm chí người ăn xin cũng có thể nhận tiền bằng cách quét mã QR.
Ở Ấn Độ, người dân đi chợ mua rau và thanh toán bằng điện thoại thông qua ví điện tử Paytm. Điều này cho thấy, việc sử dụng ví điện tử để thực hiện các thanh toán di động đang trở nên quen thuộc đối với người dân các nước trên thế giới, hướng tới một xã hội thanh toán không tiền mặt. Mặc dù đã có hình thức thanh toán trên điện thoại di động nhưng phó giám đốc NH cổ phần cũng thừa nhận ví điện tử hiện nay quá tiện lợi nên NH này sẽ triển khai đánh vào phân khúc khách hàng là giới trẻ. Tại VN, tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS trong năm 2017 đạt khoảng 267 triệu giao dịch, tăng trưởng 24% so với 2016, tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 656.000 tỉ đồng, tăng trưởng 102% so với năm 2017. Trong đó, tổng giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 đạt 302.000 tỉ đồng, gần tương đương với tổng giá trị giao dịch rút tiền ATM liên ngân hàng đạt 307.000 tỉ đồng qua hệ thống NAPAS.
TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế – Luật, nhận định: Thanh toán điện tử đang phát triển mạnh tại VN. Nhất là lượng người dùng trẻ tuổi thích các ứng dụng công nghệ cao, cùng với sự phát triển nhanh của điện thoại di động, mạng 4G… nên không lâu nữa, tỷ lệ thanh toán này cũng sẽ gia tăng cao trong nền kinh tế.
Hiện nay, các quy định của VN xoay quanh dịch vụ trung gian thanh toán hay các quy định liên quan như chống rửa tiền đều có. Theo hướng hội nhập kinh tế, chúng ta không cần hạn chế “room” sở hữu của khối ngoại ở lĩnh vực này nhưng điều quan trọng là phải kiểm tra, giám sát trong quá trình hoạt động của các DN để đảm bảo không phát sinh việc rửa tiền, thanh toán chui, tạo điều kiện cho các giao dịch trốn thuế hay mua bán hàng hóa bị cấm. Ví dụ việc trao đổi tiền số bị cấm ở VN nhưng theo tổng kết lượng giao dịch này tại VN lại đứng thứ 3 thế giới. Do đó, NHNN phải kiểm soát các giao dịch thanh toán lớn hay giao dịch không rõ ràng.
“Bất kể cổng thanh toán trung gian, ví điện tử, dịch vụ thu chi hộ… của các DN được phép thực hiện đều phải thông qua kết nối với các NH và qua cổng thanh toán quốc gia VN. Vì vậy, việc kiểm tra giám sát những giao dịch ảo, giao dịch đáng ngờ đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, từ trước đến nay hoạt động kiểm tra giám sát của VN nói chung ở nhiều lĩnh vực còn khá yếu. Từ đó mới để “lọt” những hoạt động chui, hoạt động phi pháp. Vì vậy, cần phải siết chặt hơn việc thanh kiểm tra đối với dịch vụ thanh toán trung gian”, TS Nguyễn Anh Phong nhấn mạnh.
Thanh Xuân – Mai Phương

Theo Thanh Niên

 

Bình luận (0)