Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Béo phì làm triệu chứng COVID-19 tiến triển nghiêm trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Trải qua những ngày giãn cách, học trực tuyến tại nhà, tình trạng trẻ thừa cân, béo phì đang trở thành nỗi lo lắng của nhiều gia đình. Theo GS.TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, trong mùa dịch, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng bồi bổ quá mức cho con với hi vọng làm tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, đây lại là một sai lầm nghiêm trọng.
Ảnh minh họa: Như Ý

Ảnh minh họa: Như Ý

Tăng cân quá đà phá hỏng hệ miễn dịch

Từ sau tết tới nay, do dịch bệnh nên trẻ em, người lớn phải học tập và làm việc tại nhà. Việc thay đổi chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, thiếu hụt các hoạt động thể chất… là những nguyên nhân khiến cả trẻ em và người lớn đều tăng cân. Phổ biến là các trường hợp tăng từ 3 – 5kg, cá biệt có một số trường hợp tăng từ 9 – 10kg trong thời gian từ tết tới nay. GS Khánh cho biết, với những trẻ đã thừa cân, béo phì, nạp năng lượng quá mức có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ miễn dịch của trẻ. Với những trẻ cân đối, được nuông chiều thói quen ăn uống giai đoạn này có thể tạo thành đà tăng cân trong thời gian tới.

Việc thừa cân không chỉ gây khó khăn cho tim, não mà còn khiến sự tăng tiết hoóc-môn mất kiểm soát. Do đó không những không nâng cao mà khả năng phòng bệnh của hệ miễn dịch còn bị phá hỏng. Căng thẳng, stress cũng là một trong những yếu tố nguy cơ khiến tăng cân, đặc biệt ở người lớn. Ở nhà quá lâu trong một không gian chật hẹp, ít giao tiếp khiến nhiều người có cảm giác buồn chán và tìm tới đồ ăn như một cách giải tỏa tâm lý. Bác sĩ, TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng khẳng định, COVID-19 đang tác động tới vấn đề kiểm soát cân nặng. Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu nghiên cứu nào về tác động của các đợt dịch gây ra, song tại Ý và Nhật Bản, đã có thống kê, khoảng 1/3 dân số bị tăng cân trong mùa dịch.

“Hậu quả của thừa cân, béo phì thường khó nhận biết ngay, nhưng không thể xem nhẹ. Khi trẻ béo phì chẳng may mắc những bệnh lý như tiêu chảy, viêm phổi,… bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng hơn, thời gian điều trị kéo dài”, TS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Lâm sàng, tiết chế, Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay.

Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020. Cũng theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, có đến 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn mức bình thường. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu mới đây đã xác định béo phì là một yếu tố nguy cơ tiến triển các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng có thể phải nhập viện, phải chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ máy thở trong giai đoạn đầu của bệnh.

Điều đáng lo ngại chính là béo phì thường không có triệu chứng gây khó chịu, người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng lúc này họ đã có nhiều khả năng bị các bệnh lý như đột quỵ, bệnh mạch vành, mỡ máu, xương khớp… Tâm lý chủ quan khiến người bệnh không đi khám, làm quá trình chẩn đoán sớm và điều trị trở nên khó khăn.

Để khắc phục tình trạng tăng cân, béo phì trong thời gian nghỉ dịch, giãn cách, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng để xây dựng bữa ăn hợp lý cho gia đình. Với trẻ thừa cân, béo phì, tuyệt đối không được giảm hay nhịn ăn, mà phải thực hiện chế độ ăn đủ nhu cầu vì cơ thể đang phát triển, đồng thời ăn hạn chế các loại chất béo, thức ăn giàu năng lượng, thức ăn nhanh, chế biến sẵn, bánh kẹo và nước ngọt. Ngay cả trong thời gian giãn cách, hạn chế ra ngoài, các gia đình vẫn có thể khuyến khích, tăng cường hoạt động thể dục trong nhà để tiêu hao năng lượng thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo và tạo sức bền cho trẻ.

Cải thiện tầm vóc, trí tuệ thế hệ tương lai

Bộ Y tế mới đây đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2040 trên cơ sở tham vấn ý kiến của nhiều đơn vị chuyên môn, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước. Chiến lược tổng thể nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam, gồm 6 mục tiêu cụ thể với 29 chỉ tiêu. Trong đó, một trong số các mục tiêu quan trọng là khống chế thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng, dự phòng các bệnh mạn tính không lây và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.

Cụ thể, đến năm 2030 đạt mục tiêu khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 10% (khu vực thành phố ở mức dưới 11% và khu vực nông thôn ở mức dưới 7%); trẻ 5-18 tuổi ở mức dưới 19% (khu vực thành phố ở mức dưới 27% và khu vực nông thôn ở mức dưới 13%); người trưởng thành 19-64 tuổi ở mức dưới 20% (khu vực thành phố ở mức dưới 27% và khu vực nông thôn ở mức dưới 17%).

Để thực hiện đồng bộ các giải pháp Chiến lược, ngoài sự nỗ lực của chính quyền, cơ quan chức năng, cần huy động sự tham gia, hưởng ứng của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay hướng tới mục tiêu nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em. Trong đó, nhóm giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng để có nhận thức đúng và đủ về dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. ​Ở giai đoạn 1, chương trình sẽ triển khai chuỗi hoạt động bao gồm chuỗi sự kiện thăm trường mẫu giáo tại Hà Nội và TPHCM, hoạt động tương tác nâng cao nhận thức trên mạng xã hội “Em bé khoẻ – Gia đình vui”, các nghiên cứu khoa học và các diễn đàn trao đổi…

Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng nhanh đáng báo động trong 10 năm qua, đặc biệt tại các thành phố lớn. Theo báo cáo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TPHCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Theo Hà Minh/TPO

 

Bình luận (0)