Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Bêu tên” những DN làm hàng gian hàng giả

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Võ Thị Dung 

Chiều 28-7, bà Võ Thị Dung – Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành liên quan về cuộc vận động này.

Tính đến nay, trên địa bàn TP có 39 trung tâm thương mại; 181 siêu thị; 240 chợ truyền thống và gần 836 cửa hàng tiện lợi. Thông qua cuộc vận động, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối chiếm tỷ lệ khoảng 90%. Đặc biệt, đến nay TP phát triển được 1.140 điểm bán hàng bình ổn, cả nội và ngoại thành, tại các KCN-KCX. Trong 6 tháng đầu năm, 3 nhóm doanh nghiệp bình ổn thị trường đã tổ chức 558 chuyến bán hàng lưu động. Ngoài ra, Sài Gòn Co.op còn thực hiện hơn 500 chuyến bán hàng lưu động để hỗ trợ 36 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện bình ổn thị trường. Với tổng giá trị hàng hóa, thực hiện bán hàng lưu động hơn 30 tỷ đồng.

Ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP – cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động, công tác tuyên truyền tới CB-GV-CNV và phụ huynh HS được ngành GD-ĐT triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trang thiết bị, CSVC trong trường học hiện tại chiếm 95% là hàng Việt. Hàng năm, chuẩn bị cho mùa khai giảng năm học mới, ngành GD-ĐT các quận, huyện đều tổ chức những ngày hội dùng hàng Việt cho phụ huynh HS rất hiệu quả…

Theo ông Võ Văn Long – Phó Giám đốc, Sở TT-TT TP – thì: “Muốn đấu tranh chống hàng gian hàng giả thì chính bản thân các doanh nghiệp phải làm ăn uy tín. Gần đây, có một số doanh nghiệp làm ăn gian dối, vậy làm sao người tiêu dùng tiếp tục ủng hộ, tin dùng hàng Việt. Nếu phát hiện những doanh nghiệp làm gian làm giả, nhất là từ nay tới cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2017, phải bêu tên những doanh nghiệp này trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, cần quy hoạch lại hệ thống thương mại; kiểm soát các thương hiệu bán lẻ của nước ngoài vào TP.HCM. TP không làm được việc này, chắc chắn các doanh nghiệp trong nước sẽ mất dần sân nhà và tiến tới “làm thuê” cho họ. Trong kế hoạch của TP, đến năm 2020, Saigon Co.op, Satra phải thành tập đoàn bán lẻ. Làm được việc này mới đảm bảo được thị trường ổn định và giữ vững “sân nhà” cho các doanh nghiệp trong nước. Nhưng trước khi làm được việc này, thì các doanh nghiệp phải đưa được sản phẩm xuống tận trường, nhất là CĐ-ĐH để HSSV có “kênh” mua sắm. Bên cạnh đó, muốn người tiêu dùng sử dụng hàng Việt thì dứt khoát giá cả phải có tính cạnh tranh, đảm bảo chất lượng sản phẩm…

Phát biểu kết luận, bà Dung nhấn mạnh: “Hiện tại Thành ủy đã chỉ đạo các quận, huyện phải có ban chỉ đạo do đồng chí phó bí thư quận, huyện ủy làm trưởng ban. 6 tháng cuối năm, tập trung kiện toàn lại ban chỉ đạo, của TP, quận, huyện và các tổ chức thành viên; có quy chế cụ thể phân công cho từng thành viên ban chỉ đạo. Việc điều tra dư luận, các đối tượng sử dụng… đặc biệt việc tuyên truyền quảng bá thương hiệu Việt, cần phải được đẩy mạnh hơn nữa tới nhân dân TP. Riêng Sở GD-ĐT TP, phải tính tới những nội dung tuyên truyền tới HSSV và CB-GV-CNV thiết thực, gần gũi và có chủ đề xuyên suốt cả năm học…”.

An Khánh

Bình luận (0)