Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Bhutan: Trung tâm giáo dục đại học trong tương lai

Tạp Chí Giáo Dục

Quốc gia đo đếm hạnh phúc duy nhất thế giới có thể trở thành trung tâm giáo dục đại học của châu Á

Vương quốc Bhutan nằm dưới chân dãy Himalaya nổi tiếng với vẻ đẹp núi non hùng vĩ. Đất nước này còn được biết đến bởi lệnh cấm bán thuốc lá và là quốc gia duy nhất sử dụng các chỉ số hạnh phúc như một thước đo cho sự phát triển. Nơi này có thể sớm trở thành một trung tâm giáo dục đại học của châu Á!
Đây là kế hoạch mang tính đột phá khi Bhutan tham vọng xây dựng một thành phố giáo dục cao cấp bằng cách khuyến khích các trường đại học, cao đẳng uy tín trên toàn thế giới sang thiết lập chi nhánh tại quốc gia này.
Bhutan trở thành nước dân chủ trẻ tuổi nhất thế giới khi thay đổi từ chế độ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến vào năm 2008. Sự thay đổi xuất phát từ mong muốn “nổi lên” thành một nền kinh tế mang tầm quốc tế. Nước này đã mở cửa với thế giới vào năm 1960, sau khi trải qua nhiều thế kỷ “đoạn tuyệt” với những gì nằm bên ngoài biên giới của mình. Cơ giới đường bộ được xây dựng vào năm 1961; truyền hình, internet có mặt vào 1996 và đất nước phát triển với tốc độ ngày càng nhanh. Hiện nay, Bhutan có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 8% và thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.200 USD/năm, cao nhất Nam Á.
Theo dự án thành phố giáo dục đại học cao cấp, Bhutan sẽ thu hút hơn 30 trường đại học hàng đầu trên thế giới, bao gồm cả Ivy Leagues (nhóm các trường đại học nổi tiếng ở miền Đông nước Mỹ) và khoảng 50.000 sinh viên quốc tế. Thành phố này được Chính phủ phê duyệt xây dựng trên 1.000 mẫu Anh (khoảng 405 ha) tại một trong những nơi đẹp nhất – giữa thủ đô Thimphu – cách sân bay quốc tế Paro chừng 20 dặm (khoảng 32km), với dân số hơn 100.000 người.
Tất nhiên, nơi đây còn tập trung đủ cơ sở tiện nghi phục vụ cho việc nghiên cứu và phát triển, có phòng thí nghiệm cao cấp, khách sạn, dịch vụ y tế, trung tâm thể thao – văn hóa, thư viện lớn và cả những quán cà phê giải trí cho mọi người. Theo Chính phủ, giáo dục được coi là lĩnh vực hàng đầu nên thành phố này cho phép các nhà kinh doanh đầu tư xây dựng bởi 100% vốn nước ngoài, được miễn thuế hải quan và thuế kinh doanh thiết bị trường học. Đồng thời, Bộ Giáo dục cũng đưa ra chính sách khuyến khích các tổ chức giáo dục uy tín tham gia bằng cách cho họ sự tự do về chương trình giảng dạy, thu học phí cũng như thủ tục nhập cảnh thuận tiện và cho thuê đất lâu dài.
Từ thành phố giáo dục, Bhutan hy vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm và nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Bên cạnh đó còn đáp ứng cho các tiêu chí của quốc gia như: xây dựng một nền kinh tế bền vững, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển và tạo ra một xã hội hiểu biết. Cuối cùng, là một “thương hiệu Bhutan”. Do vậy, thành phố giáo dục sẽ mang tầm “trường quốc tế, lớp thế giới”. Ở đó, các chuyên ngành công nghệ thông tin truyền thông, kiến trúc, kỹ thuật, y học, quản lý pháp luật và thiết kế được khuyến khích giảng dạy, nhưng giáo dục về toán và khoa học lại là ưu tiên hàng đầu.
Phát biểu về dự án này, Thủ tướng Bhutan – ông Lyonchhen Jigmi Y Thinley – người trung thành với công trình Tổng hạnh phúc quốc gia (GHN – Bhutan là nước duy nhất đo đếm hạnh phúc) khẳng định: “Tất cả các đề mục và phạm vi của GHN đều phụ thuộc vào một nền giáo dục tốt”. Và những tiêu chuẩn của GHN được xem như kim chỉ nam trong việc hướng dẫn Chính phủ “tất cả vì hạnh phúc của nhân dân” chứ không phải là sự giàu có một mình, ở một trung tâm hoạt động phát triển. 
(Theo Bhutan’s Daily)
Ngân Du

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)