Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

BHYT đối với học sinh, sinh viên: Không nên ép đóng trọn năm/lần

Tạp Chí Giáo Dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa

Theo Bộ GD-ĐT, có một số nhà trường đã yêu cầu học sinh, sinh viên (HS, SV) phải đóng bảo hiểm y tế (BHYT) 12 tháng một lần vào thời điểm đầu năm học này. Điều này gây khó khăn cho HS, SV và gia đình người học, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Theo quy định của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, BHYT là hình thức bắt buộc đối với toàn dân, trong đó có HS, SV. Về phương thức đóng, Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định là tổ chức thu 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, có một số nhà trường đã yêu cầu HS, SV phải đóng 12 tháng một lần vào thời điểm đầu năm học đã gây không ít khó khăn cho HS, SV và gia đình người học.

PV: Nhiều giáo viên cho rằng họ đang gặp phải áp lực nếu không thu đủ BHYT 100% thì họ có thể bị hạ thi đua, ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Theo quy định của luật, BHYT là hình thức bắt buộc. Trách nhiệm của các nhà trường là hướng dẫn, tuyên truyền, vận động để HS, SV tham gia đóng đầy đủ. Tuy nhiên, hiện nay, phương thức đóng bảo hiểm được Bộ Y tế, Bộ Tài chính quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC là có thể đóng 6 tháng hoặc 12 tháng/lần. Với quy định này, nhiều trường áp dụng hình thức đóng 12 tháng/lần. Điều này đã gây áp lực đối với cha mẹ HS đầu năm học phải đóng dồn cùng một thời điểm nhiều khoản thu, gây khó khăn về kinh tế của gia đình và áp lực cho giáo viên.

Về phía Bộ GD-ĐT, chúng tôi đã biết và đã có giải pháp: Thứ nhất, bộ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện BHYT cho HS, SV đối với các sở GD-ĐT, các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ và TC. Trước mắt, phương thức đóng là 6 tháng/lần, và không đóng vào đầu năm học để giảm áp lực về tài chính cho cha mẹ HS.

Thứ hai là, kiến nghị với Bộ Y tế và Bộ Tài chính xem xét, chỉnh sửa Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC, giãn thời gian đóng BHYT của HS, SV. Không chỉ đóng 6 tháng/lần, 12 tháng/lần mà có thể đóng 3 tháng/lần và thời gian đóng có thể lùi sang tháng 12.

Thực tế, tỷ lệ HS sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh không nhiều. Làm thế nào để những tấm thẻ bảo hiểm thực sự đạt được “giá trị” như người dân mong muốn?

BHYT là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện BHYT đối với HS, SV nhằm đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho các em, thông qua đó giáo dục các em lòng nhân ái, sự chia sẻ với cộng đồng. Tuy nhiên, tính ra hằng năm, nếu mỗi trường có hàng ngàn HS mà chỉ có vài chục em đi khám bằng hình thức BHYT thì quá ít. Thực tế này, có thể cho thấy điều đáng mừng là HS, SV chúng ta khỏe mạnh chưa cần dùng đến thẻ BHYT, nhưng cũng có thể HS, SV cũng như người dân nói chúng chưa thực sự tin tưởng vào dịch vụ khám, chữa bệnh bằng BHYT. Chúng tôi mong muốn cùng với sự đa dạng các hình thức hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cha mẹ HS, SV đóng BHYT cho con em mình thì ngành y tế, Bảo hiểm Xã hội cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế đối với những người có thẻ BHYT, để thu hút nhiều hơn người dân, HS, SV tham gia.

Thưa Thứ trưởng, hiện nay trong mức thu bảo hiểm có quy định dành 7% cho các trường phổ thông chăm lo sức khỏe cho HS. Sử dụng quỹ như thế nào cho hợp lý?

Tôi cho rằng việc trích lại 7% cho các trường phổ thông và 5% cho các cơ sở giáo dục mầm non để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS là cần thiết. Số kinh phí này được trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, HS, SV.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, một số trường đã yêu cầu HS-SV phải đóng bảo hiểm y tế 12 tháng/lần, gây khó khăn cho gia đình người học. Trong ảnh: Chăm sóc sức khỏe cho HS Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM). Ảnh: Q.Huy

Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều trường học, cơ sở vật chất của phòng y tế, đội ngũ nhân viên y tế chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo kiện toàn hệ thống y tế trường học, đặc biệt là nâng cao năng lực của các phòng y tế để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường. Sử dụng đúng mục đích và hiệu quả số tiền trích lại từ quỹ BHYT.

Có một thực tế, tại các trường, theo chân BHYT, các quỹ bảo hiểm khác cũng vào, cha mẹ HS, SV không biết phân biệt ra sao. Bộ GD-ĐT có chỉ đạo như thế nào về vấn đề này?

Đúng là thực tế hiện nay có một số quỹ bảo hiểm khác cũng vào trường học, giới thiệu và mời tham gia. Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các trường chỉ thu BHYT theo quy định bắt buộc của luật. Không tổ chức thu các loại hình bảo hiểm tự nguyện trong nhà trường.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nghiêm Huê (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)