Theo lộ trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), nhóm HS, SV trong hệ thống giáo dục quốc dân kể từ tháng 1-2010 sẽ trở thành đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Và tại Hội nghị tổng kết chương trình BHYT khối CĐ, ĐH năm học 2008-2009 và triển khai kế hoạch năm 2009-2010 vừa được tổ chức, nhiều trường đã thẳng thắn bày tỏ những “vướng mắc” của trường về BHYT trong năm qua.
Đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị |
Ông Trần Văn Tài đại diện Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng thắc mắc về mức phí tạm thu: Luật hướng dẫn mức phí tạm thời thu BHYT đối với HS, SV thuộc đối tượng cận nghèo: 107.750 đồng/năm/HSSV; HS, SV không thuộc đối tượng cận nghèo: 142.850đ/năm/HSSV. Vậy sau này có mức thu chính thức đưa ra nếu thấp hơn, hoặc cao hơn thì nhà trường phải xử lý thế nào, tốn thêm công đoạn thu lại nữa. Rồi ông nêu ý kiến: “Bộ nên mạnh dạn ấn định luôn mức thu để sau này khỏi phải tốn thời gian thu thêm lần nữa”. Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Bình – Trường ĐH Mở TP.HCM băn khoăn: “Mức tạm thu, sau này thiếu, đủ ai sẽ chịu trách nhiệm”. Bà Bình cũng nêu lên một vấn đề chung của các trường là sẽ rất khó đạt được 100% SV-HS tham gia. Bà Bình lấy ví dụ tại Trường ĐH Mở TP.HCM có nhiều loại hình đào tạo như đào tạo hệ tại chức, văn bằng 2… và những đối tượng này không thể bắt buộc mua tại trường khi họ đã đi làm và mua ở cơ quan. Ngoài ra có những SV mua ở phường thì giải quyết thế nào khi bắt buộc phải tham gia 100%.
Về vấn đề thời gian thực hiện cũng được nhiều trường quan tâm. Ông Đào Chí Dũng – ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM bức xúc: “Nếu thông báo là hết tháng 9-2009 phải xong, trong khi số SV đậu nguyện vọng 2 tại các trường qua tháng 10 mới nhập học thì không thể làm được”. Và ông đề nghị “nên giữ lại như năm trước, do hầu hết các trường ở năm đầu thu rất dễ, nhưng từ năm 2, năm 3 rất khó thu do vậy không nên cứng nhắc về thời gian các trường phải xong mà phải có biên độ kéo dài thời gian để giải quyết khó khăn cho các trường”.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thì băn khoăn về quy định như thế nào là chuẩn nghèo và cận nghèo. Nếu không rõ ràng trong vấn đề nghèo và cận nghèo thì rất dễ bị phạm luật khi thu. Đại diện Trường ĐH Kinh tế còn thẳng thắn nêu lên vấn đề và được hội nghị tán đồng là thẻ BHYT khi in bị sai, nhòe gửi qua cơ quan BHYT để sửa thì bị “dội ngược” lại và cho rằng đó là trách nhiệm của nhà trường, trong khi việc làm thẻ là phía BHYT chịu, gây khó khăn cho SV. Còn đại diện Trường CĐ Sư phạm Trung ương thì đặt câu hỏi với hội nghị: khi buộc SV tham gia 100% thì có hay không biện pháp chế tài đối với những SV không tham gia và hình thức chế tài là như thế nào?
Tại hội nghị, nhiều trường cũng mạnh dạn đề nghị nên gộp chung thẻ BHYT với thẻ sinh viên cho đỡ bớt một lần làm thẻ. Ông Nguyễn Ngọc Tân – Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Tài chính Marketing nêu: “Đã chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc thì không cần làm thẻ mà gộp chung với thẻ SV là được rồi”.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Bình luận (0)