Y tế - Văn hóaThư giãn

Bí ẩn cái chết của Alexander Đại đế – Kỳ 1

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 10/6 năm 323 trước Công nguyên, tại Babylon, Alexander Đại đế đã qua đời ở tuổi 32, sau khi chinh phục được đế chế rộng lớn trải rộng từ Albania ngày nay tới miền Đông Pakistan. Câu hỏi về nguyên nhân gây ra cái chết của Nhà vua Macedonia này chưa bao giờ được trả lời thỏa đáng. Ngày nay, một số giả thuyết mới đang làm nóng lại một trong những vụ việc bí ẩn nhất mọi thời đại.

VỤ ÁN BÍ ẨN
Vua Alexander III của Macedonia, được biết với tên gọi Alexander Đại đế, sinh ra tại Pella năm 356 Trước Công nguyên và được theo học nhà hiền triết Aristotle cho đến năm 16 tuổi. Ông trở thành Nhà vua của Macedonia (quốc gia ở miền Bắc Hy Lạp cổ đại) và đến năm 30 tuổi đã lập ra một trong những đế chế lớn nhất thế giới cổ đại, trải dài từ Biển Ion (một nhánh của Địa Trung Hải) tới dãy Himalaya.

Hoàng đế Alexander trên giường bệnh trước khi chết.

Alexander Đại đế được coi là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử. Ông đã chinh phục toàn bộ Đế chế Ba Tư, nhưng là một chiến binh tham vọng với mục tiêu “tới tận cùng của thế giới”, sau đó ông đã xâm lược Ấn Độ năm 326 Trước Công nguyên. Ông nổi danh với việc thiết lập khoảng 20 thành phố mang tên ông, trong đó có Alexandria ở Ai Cập cổ đại, và truyền bá văn hóa Hy Lạp sang phía Đông. Tuy nhiên, trước khi hoàn tất kế hoạch xâm lược Arabia, Alexander Đại đế đã qua đời một cách bí ẩn, sau 12 ngày chống chọi với nhiều cơn đau.
Theo nhiều ghi chép lịch sử, Alexander Đại đế đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm cái chết của Hephaeistion, người bạn thân nhất và được ông yêu mến. Tuy nhiên, khi màn đêm buông xuống, ông bất ngờ cảm nhận nhiều cơn đau khủng khiếp và ngã quỵ. Ông được đưa về phòng và sau nhiều ngày đau đớn, sốt cao, co giật và mê sảng, ông rơi vào trạng thái hôn mê.
Những triệu chứng ban đầu được ghi nhận đó là những cơn rùng mình, co cứng cổ và đau bụng dữ dội. Sau đó, ông bị suy nhược và chịu sự đau đớn tột cùng về thể xác ở mọi chỗ trên cơ thể khi bị chạm vào. Ông trải qua những cơn khát tột độ, các đợt sốt cao và những cơn mê sảng; trong đêm, ông còn bị co giật và ảo giác. Ở giai đoạn cuối, Đại đế không còn nói được nữa, dù ông vẫn có thể cử động đầu và tay. Cuối cùng, ông bị khó thở và qua đời.

Bức tranh vẽ hồi thế kỷ 19 miêu tả đám tang Hoàng đế Alexander dựa trên mô tả của sử gia Diodorus người Sicilia.

Cái chết của Alexander là không thể ngờ tới. Vị vua này đã chứng minh được sức mạnh của mình trong 12 năm chinh chiến ở châu Á, trải qua những thách thức gian khổ và tham gia nhiều trận chiến cam go. Alexander Đại đế thậm chí được tôn vinh như vị thánh. Năm 325 trước Công nguyên, trong khi đơn thương độc mã chống lại các chiến binh hùng mạnh từ Nam Á, Alexander đã bị một mũi tên đâm trúng phổi, nhưng không lâu sau đó, ông vẫn tiến hành cuộc hành quân gian khổ nhất kéo dài 60 ngày dọc bờ biển Nam Iran. Bởi vậy, với việc Nhà vua lâm trọng bệnh và qua đời, đội quân hùng mạnh với 50.000 binh sĩ của ông đã rơi vào khủng hoảng tột độ. Họ trở nên hoang mang không rõ ai sẽ là người lãnh đạo tiếp theo, bởi Alexander chưa vạch ra kế hoạch lựa chọn người kế vị. Sự qua đời đột ngột của nhà chỉ huy đã biến giai đoạn này trở nên vô cùng thê thảm, khởi đầu nửa thế kỷ bất ổn và xung đột được gọi với cái tên Các cuộc chiến tranh Kế vị.
Bốn giả thuyết được nêu ra nhiều nhất đó là: bệnh sốt rét, thương hàn, nhiễm độc rượu hoặc bị đầu độc bởi kẻ thù nào đó. Bệnh sốt rét thường được lây truyền bởi loài muỗi sống ở rừng rậm và các vùng nhiệt đới, nhưng không phải ở vùng sa mạc như ở miền Trung Iraq, nơi Alexander qua đời. Bệnh thương hàn thường do lây truyền qua thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm khuẩn, và tạo ra đại dịch chứ không phải chỉ gây bệnh cho một cá nhân duy nhất. Hiện không có bất kỳ ghi chép lịch sử nào cho thấy đại dịch như vậy bùng phát ở Babylon vào thời điểm Hoàng đế qua đời. Bên cạnh đó, triệu chứng chính của việc bị trúng độc rượu đó là nôn mửa lại không được đề cập trong bất kỳ ghi chép nào.
Khó có thể cho rằng việc Hoàng đế vô tình uống nước độc trên sông hoặc bị muỗi độc cắn là nguyên nhân đẩy thế giới cổ đại vào thời kỳ xung đột đầy nguy hiểm mới. Mỗi người lại có một cách lý giải khác nhau về cái chết bí ẩn này, và thậm chí còn đề cập đến mối quan hệ của Alexander với những người bạn trung thành của ông, các cận vệ và các sĩ quan cấp cao ngay cạnh ngài ở Babylon. Các giả quyết về bệnh bệnh đậu mùa và ung thư bạch cầu cũng được đưa ra, cộng thêm chứng nghiện rượu, sự nhiễm trùng từ vết thương ở phổi và nỗi đau buồn bởi cái chết của người bạn thân Hephaestion cũng được coi là các nhân tố gây ra cái chết của Alexander. Tuy nhiên, một số sử gia không muốn kết luận một cách rõ ràng rằng Hoàng đế qua đời do bị ám sát hay do bệnh tật.
Như vậy nguyên nhân nào đã gây ra cái chết của Alexander Đại đế? Theo các ghi chép lịch sử, thi thể Alexander không cho thấy dấu hiệu phân hủy trong 6 ngày sau khi chết, dù được đặt ở nơi nóng bức, ngột ngạt. Một lý giải đó là liều thuốc cực độc nào đó đã làm chậm tốc độ phân hủy. Điều này cho thấy Alexander Đại đế đã bị đầu độc, nhưng chưa rõ là bởi cái gì.
Với việc các nghiên cứu lịch sử bị rơi vào bế tắc, các nhà nghiên cứu đang chuyển sang hướng đi mới. Nhờ thông tin được cung cấp bởi các nhà nghiên cứu độc dược và các nhà nghiên cứu bệnh học cùng giả thuyết về âm mưu ám sát, nhiều nhà nghiên cứu đã lật lại hồ sơ cái chết của Alexander Đại đế theo hướng cuộc điều tra vụ án mạng.
 

Bích Hạnh/ Tin tức

 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)