Bộ VH-TT-DL đã có quyết định cho phép thăm dò khảo cổ tại khu vực gò Dương Xuân (thuộc P.Trường An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế).
Đây là nơi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng chính là Đan Lăng, nơi nguyên táng hoàng đế Quang Trung.
Theo quyết định của Bộ VH-TT-DL, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành đào 5 hố thăm dò khảo cổ với diện tích 22 m2 tại khu vực gò Dương Xuân (P.Trường An, TP.Huế), thời gian đào thăm dò khảo cổ học từ ngày 30.9 – 15.10.
Trong quá trình thăm dò, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản hiện vật thu thập được, tránh hư hỏng và thất lạc; báo cáo Bộ VH-TT-DL phương án phát huy giá trị hiện vật và đặc biệt là không được công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận với cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Theo kế hoạch, ngày hôm nay 6.10, Viện Khảo cổ học sẽ có mặt tại Huế để tiến hành thủ tục động thổ đào thăm dò khảo cổ.
Những giả thuyết gây tranh luận
Do các nhà nghiên cứu chưa tìm thấy nguồn sử liệu ghi chép rõ ràng việc an táng vua Quang Trung, thêm vào đó lăng mộ của Quang Trung từng được cho là đã bị nhà Nguyễn san bằng và phá hủy, do đó việc xác định lăng mộ của vị vua này rất phức tạp.
Công trình nghiên cứu về lăng mộ Quang Trung của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã được in thành sách và tái bản lần thứ hai.
Lần thứ nhất, cuốn Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung do Viện Sử học xuất bản vào năm 1992. Đúng 15 năm sau, ông Xuân tập hợp thêm tư liệu bổ sung và tái bản cuốn sách Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung (Nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 2007).
Công trình của ông Xuân cũng đã từng được công bố tại nhiều hội thảo khoa học. Mấu chốt nghiên cứu của ông Xuân dựa vào câu: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta” – câu nguyên chú trong tác phẩm Cảm hoài, tập Hoàng hoa đồ phả của Ngô Thì Nhậm, một trọng thần của vua Quang Trung.
Từ đó, cùng với nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước, kết hợp với những phát hiện thực địa, Nguyễn Đắc Xuân cho rằng cung điện Đan Dương, cũng là sơn lăng của hoàng đế Quang Trung, vốn được hình thành từ cung điện mùa đông của chúa Nguyễn Phúc Khoát (thuộc phủ Dương Xuân, nằm trên gò Dương Xuân) sau này đã bị Gia Long phá hủy vào năm 1801.
Quan điểm của ông Xuân sau khi công bố đã gây ra nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử trong nước. Để chấm dứt những phản biện liên quan, ông Nguyễn Đắc Xuân đã nhiều lần đề nghị ngành văn hóa cần có thăm dò khảo cổ học để làm cơ sở kết luận.
Ở một hướng khác, nhà nghiên cứu Trần Viết Điền (TP.Huế) đã kế thừa những công trình nghiên cứu của GS Nguyễn Thiệu Lâu dựa vào gợi ý của linh mục Cadiere, vào năm 1961, tiếp đến là các nghiên cứu của cố học giả Nguyễn Hữu Đính, kết hợp với kết quả nghiên cứu điền dã, thu thập hiện vật… đã khẳng định lăng Ba Vành nằm ở đồi Thiên An, thuộc thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng (nay thuộc TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế), phía tây TP.Huế chính là lăng mộ vua Quang Trung.
Cơ sở của nghiên cứu này là loại gạch được tìm thấy ở lăng Ba Vành tương đồng với gạch thời Tây Sơn được tìm thấy ở gò Viên Khâu Tây Sơn (núi Bân), ở đàn Phương Trạch Tây Sơn (sau chùa Thiên Mụ), ở Học cung Long Hồ (do Tây Sơn mở rộng Văn miếu Long Hồ)… cùng với nhiều yếu tố hiện vật, phong thủy…, từ đó ông Điền cho rằng lăng Ba Vành hội đủ điều kiện của một khu lăng tẩm của bậc hoàng đế. Ông Điền cũng đề nghị ngành chức năng cần sớm có cuộc khảo cổ học, giám định tuổi gạch để kết luận.
Bùi Ngọc Long (TNO)
Bình luận (0)